Trải qua 25 năm từ ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 21 năm vận hành thị trường, TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
6 giải pháp trung và dài hạn phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam
28/11/1996 - 28/11/2021, ngành chứng khoán Việt Nam đã trải qua 25 năm hình thành, và không ngừng phát triển mạnh mẽ
Ngày 28/11/1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được thành lập. Đến tháng 7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM được khai trương, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam và tổ chức phiên giao dịch lần thứ nhất vào ngày 28/7/2000. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được hình thành ngay trong năm 2000 và từng bước phát triển…
Trải qua 25 năm từ ngày thành lập UBCK và 21 năm vận hành thị trường, TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011- 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
VƯỢT MỤC TIÊU CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Tổng quy mô TTCK (bao gồm tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu) cuối năm 2020 đạt 131,95% GDP, chiếm tỉ trọng 47% tổng tài sản hệ thống tài chính, ngày càng tiệm cận với quy mô tín dụng ngân hàng năm 2020 là 146,2% GDP và cao hơn nhiều so với tỉ trọng 21% của năm 2010.
Trong đó quy mô vốn hóa của thị trường tăng mạnh, đạt 84% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020, gấp hơn 2,6 lần so với năm 2015 là 32,4% GDP.
Dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 47,83% GDP tại thời điểm cuối năm 2020, gấp gần 3 lần quy mô dư nợ thị trường trái phiếu trên GDP năm 2011, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 là 45% GDP vào năm 2020, ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và Chính phủ.
Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, TTCK Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số và giá trị giao dịch.
Tính cuối tháng 10/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.444,27 điểm điểm, tăng 30,8% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.462 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, tương đương 118,6% GDP.
Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 10 đạt 1.685 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% với cuối năm 2020 với 755 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 896 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trên 1 tỷ USD mỗi phiên.
Dù còn khá non trẻ nhưng TTCK phái sinh cũng đã phát triển nhanh chóng. Khối lượng giao dịch bình quân phiên năm 2020 gấp hơn 14,2 lần so với năm 2017. Khối lượng hợp đồng mở (OI) tại thời điểm cuối năm 2020 gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. TTCK phái sinh ra đời và vận hành ổn định đã cung cấp thêm cho thị trường các công cụ phòng vệ và đầu tư.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển về công nghệ thông tin, hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính, nhờ đó cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tính tuân thủ của khách hàng và quản trị rủi ro trong quá trình hoạt động, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.
TTCK Việt Nam còn chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia vào giao dịch trên thị trường ngày càng tăng, từ mức 3.000 tài khoản năm 2000 lên gần 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020. Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 1 triệu nhà đầu tư mới nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt gần 3,8 triệu đơn vị, vượt mức trên 3% dân số.
Chất lượng nhà đầu tư ngày càng được nâng cao. Việc tham gia tích cực của khối ngoại và các nhà đầu tư có tổ chức vào TTCK Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty theo thông lệ quốc tế đối với các công ty niêm yết. TTCK được xem là “bệ phóng” cho nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, trở thành những tên tuổi lớn trên thương trường.
Trong công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, TTCK đóng vai trò tích cực, tạo thuận lợi doanh nghiệp nhà nước ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Đã có 652 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2011-2020 với tổng số cổ phần đã bán được là hơn 5.718 triệu cổ phần với tổng giá trị thu về là 229 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tính công bằng và minh bạch trên TTCK đã không ngừng được tăng cường, TTCK Việt Nam cũng đang tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại hơn, bền vững hơn thể hiện qua sự tham gia tích cực vào các sáng kiến tài chính toàn cầu. Các sáng kiến tiêu biểu là Sáng kiến Tài chính xanh với sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Sáng kiến Quản trị công ty trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Sáng kiến các Sở Giao dịch chứng khoán bền vững… Đồng thời, TTCK Việt Nam đã chủ động và tích cực hòa mình vào xu hướng hội nhập chung, thông qua các cam kết hội nhập trong lĩnh vực chứng khoán tại các hiệp định đa phương lớn.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển TTCK đến nay, có thể khẳng định rằng việc xây dựng TTCK là chủ trương rất đúng đắn nhằm tạo lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta. Quá trình phát triển TTCK đi từ thập đến cao, trong đó chú trọng ngay từ đầu đến vấn đề minh bạch, công bố thông tin, quản trị công ty và tự động hoá các khâu giao dịch, thanh toán. Công tác tái cấu trúc được triển khai một cách kiên định, đồng thời hướng tới việc mở rộng các sản phẩm mới, thị trường mới. Đây là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của tập thể UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, các thành viên thị trường và các cơ quan thông tấn, báo chí…
6 GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TRUNG VÀ DÀI HẠN
Định hướng phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030: (1) Phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa; (2) Tiếp tục phát triển TTCK về quy mô đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường; (3) Quản lý, giám sát thị trường dựa trên rủi ro, đảm bảo thị trường vận hành an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiết giảm chi phí xã hội, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững; và (4) Nhà nước thực hiện quản lý thị trường bằng công cụ pháp luật, đảm bảo TTCK phát triển ổn định...
Các giải pháp trung và dài hạn giúp TTCK phát triển cân bằng, minh bạch và ổn định sẽ tiếp tục được thực hiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững. Hoàn thành xây dựng, trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK nhằm huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các sản phẩm chứng khoán dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột lớn bao gồm: (i) Cơ cấu lại tổ chức thị trường; (ii) Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; (iii) Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư; (iv) Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Theo đó, đối với tái cấu trúc tổ chức thị trường sẽ tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức của Sở GDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ-con, sớm thực hiện phân định các thị trường giao dịch chứng khoán theo lộ trình sắp xếp lại lại các thị trường giao dịch.
Cùng với đó, ngành Chứng khoán sẽ tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện quá trình tái cấu trúc các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ nhằm nâng cao năng lực và an toàn tài chính, cải thiện chất lượng hoạt động thông qua tăng cường năng lực cạnh tranh, cung cấp dịch vụ, áp dụng quản trị công ty và đạo đức nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế.
Thứ ba, đối với công tác phát triển hàng hóa, tiếp tục chính sách khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, tạo nguồn cung cổ phiếu chất lượng thông qua việc xét duyệt các điều kiện về IPO gắn với lên sàn chứng khoán.
Song song với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước từng giai đoạn theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đa dạng hóa các sản phẩm đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường, hướng đến triển khai các loại hình sản phẩm cấu trúc phức hợp, các loại chứng chỉ lưu ký, phát triển đa dạng các sản phẩm chứng khoán phái sinh.
Đặc biệt, mục tiêu trọng điểm thời gian tới là thiết lập được thị trường giao dịch tập trung cho các TPDN và thị trường dành cho các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (starup), vừa góp phần phát triển cân đối các cấu phần thị trường trên TTCK vừa tạo thêm nguồn cung hàng hóa cho thị trường. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.
Thứ tư, về cơ sở nhà đầu tư, bên cạnh các giải pháp thu hút sự tham gia mạnh mẽ, có hiệu quả của các nhà đầu tư vào TTCK, sẽ tập trung chiến lược cho phát triển các nhà đầu tư có tổ chức thông qua việc mở rộng quy mô và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư để tăng cường cơ sở nhà đầu tư có tổ chức trên TTCK. Ngoài ra, tiếp tục đồng bộ các giải pháp, phấn đấu sớm được nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi để thu hút tốt hơn sự quan tâm, tham gia đầu tư của các tổ chức nước ngoài.
Thứ năm, tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để TTCK phát triển một cách minh bạch và bền vững.
Thứ sáu, hoàn thành và đưa hệ thống công nghệ thông tin mới và hoạt động đồng bộ tại các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam nhằm hiện đại hóa hạ tầng công nghệ phục vụ quản lý, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ cho toàn thị trường.
Xác định chặng đường phía trước sẽ còn không ít khó khăn, thách thức, song với sức trẻ tuổi 25 cùng những thành quả đạt được trong những năm qua, ngành chứng khoán và TTCK Việt Nam tự tin, phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.
Huyền Trâm