Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang đàm phán; trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở tới 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nhìn lại chặng đường 15 năm được kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay (7/11/2006-7/11/2011), Việt Nam đã có một bước tiến dài trên đại lộ hội nhập.
Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang đàm phán; trong đó, có 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, có hiệu lực và 2 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán đã đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở tới 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đặc biệt, quá trình hội nhập cũng được khai thác hiệu quả, gắn tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Vì vậy, WTO được ví như cánh cửa lớn được mở ra để Việt Nam tự tin bước tới sân chơi toàn cầu.
Tận dụng cơ hội
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết kể từ năm 2006 trở lại đây là giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng bởi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO.
Vì thế, tiếp nối các chính sách và chiến lược ngoại thương của những giai đoạn trước, tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác tối đa lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu và thâm nhập vào những thị trường mới.
Cùng với đó, hàng hóa xuất khẩu cũng dần được chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Thống kê cho thấy, nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu là 39,8 tỷ USD và nhập khẩu là 44,9 tỷ USD thì đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên tới 545,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2006; trong đó xuất khẩu đạt 282,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 262,7 tỷ USD.
Riêng 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 537,31 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 267,93 tỷ USD và nhập khẩu đạt 269,38 tỷ USD.
Đặc biệt, cán cân thương mại được cải thiện rõ nét, từ mức 14,2 tỷ USD năm 2007 và 3,7 tỷ USD năm 2015. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỷ USD năm 2016; 2,1 tỷ USD năm 2017; 6,8 tỷ USD năm 2018; 10,9 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, tiếp tục ghi nhận xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD.
Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng từ 80,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên mức 85,1% năm 2019 và 85,2% trong năm 2020.
Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 xuống còn 1% năm 2020. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD tăng dần, từ 28 mặt hàng năm 2016 lên 31 mặt hàng năm 2020.
Hơn nữa, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do cũng góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32%-34%/năm. Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh báo cáo Rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO đã ghi nhận trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Điều này cho thấy Việt Nam là đất nước “mở” sau khi gia nhập WTO và thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập.
Hơn nữa, việc ký kết và thực thi một loạt các FTA, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo động lực cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 10 năm, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện được 13 bậc, từ thứ hạng 68/131 vào năm 2007 đã lên 55/137 vào năm 2017 và chuyển từ nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu lên nhóm nửa trên. Năm 2019, WEF đã nâng hạng GCI của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67/141 nền kinh tế.
Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 57 vào năm 2018 và 49 vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, với mức giảm trung bình là trên 1,4% mỗi năm.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để đạt được những thành tựu này không phải chỉ sau một đêm mà đó là kết quả của quá trình dài nỗ lực, bền bỉ và kiên định thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất và sửa đổi các quy định pháp luật.
Cùng với đó là quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hiện đại, minh bạch, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Hướng tới bền vững
Tuy nhiên, giới phân tích đã chỉ ra rằng, từ sau khi Việt Nam hội nhập đến nay, tăng trưởng xuất khẩu tuy nhanh nhưng chưa vững chắc, rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài.
Hơn nữa, tính gia công của sản xuất, tính đại lý của thương mại còn rất lớn; các doanh nghiệp FDI cũng đang thích ứng và tận dụng các ưu thế do các FTA tốt hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn đều hạn chế về năng suất, diện tích, khả năng khai thác (nhóm nông, thủy sản và khoáng sản) hoặc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và nguyên liệu hay thị trường ngoài nước nên giá trị gia tăng thấp (dệt may, da giày). Song song đó là số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng.
Kể từ vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên với gạo nhập khẩu của Việt Nam vào Columbia năm 1994, đến nay trung bình mỗi năm có từ 2 đến 3 vụ kiện chống bán phá giá được tiến hành với hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Riêng năm 2020, với 37 vụ việc - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 2,3 lần so với năm 2019.
Hơn nữa, việc tập trung quá lớn vào một số thị trường đã làm suy giảm khả năng thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường mới, dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường, khó có thể phát triển bền vững và duy trì tốc độ tăng trưởng cao cũng như khả năng chen chân vào các thị trường ngách.
Đáng lưu ý, lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của Việt Nam thực sự đáng báo động, đặc biệt ở hai lĩnh vực mũi nhọn là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu hàng hóa.
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng nhanh, hiệu quả cơ hội từ các FTA mang lại, ngoài việc cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ và nhanh nhất về các FTA.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng Cổng thông tin điện tử FTA (FTAP) là cổng một cửa. Hiện, chương trình này đã được Chính phủ thông qua, có hơn 20 bộ, ngành sẽ tham gia Tổ công tác để vận hành và nâng cấp FTAP này.
Trên FTAP, doanh nghiệp quan tâm đến một sản phẩm xuất khẩu, chỉ cần đánh mã HS sẽ nhận về đầy đủ thông tin từ thị trường, đối thủ cạnh tranh, quy tắc xuất xứ được cắt giảm thuế, các hướng dẫn để xuất khẩu đạt hiệu quả cao.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách thương mại một cách toàn diện, đồng bộ và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đi liền với tăng trưởng bền vững, nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và FTA hiện hành cũng như tìm kiếm các đối tác tiềm năng để xúc tiến việc đàm phán các FTA mới, góp phần mở rộng quan hệ thương mại trong tương lai./.