Giá cao su trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng ít có khả năng giảm sâu như trước đây và nhiều khả năng sớm khởi sắc trở lại.
Theo Ban Thị trường Kinh doanh (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), giá cao su thiên nhiên (CSTN) của cả hai thị trường giao dịch kỳ hạn và thị trường giao ngay trong tuần qua đều ghi nhận giảm so với tuần trước.
Nguyên nhân chính được các chuyên gia nhận định là từ các tác động của biến thể virus Omicron; tỷ giá đồng Dollar tăng; giá dầu thô giảm và các tác động từ Báo cáo lạm phát của Hoa Kỳ được công bố vào ngày 10/12.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ CSTN vẫn đang cho thấy không có dấu hiệu giảm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/12, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 661.000 tấn cao su thiên nhiên và tổng hợp (bao gồm cả mủ cao su) trong tháng 11 năm 2021.
Đây là diễn biến khác thường với tình huống xu hướng giá đang giảm. Điều này cũng cho thấy giá cao su đang chịu áp lực bởi các yếu tố khác ngoài yếu tố cung cầu. Trong đó, tâm lý thị trường đang chịu tác động nhiều hơn.
Trong ngắn hạn giá cao su vẫn còn chịu áp lực điều chỉnh giảm chủ yếu gây ra bởi tâm lý thị trường. Trong khi đó, yếu tố cung cầu hiện cho thấy là đang hổ trợ tích cực cho giá cao su.
Trong bối cảnh này, cho dù chịu nhiều áp lực nhưng một kịch bản giá cao su thiết lập xu hướng giảm sâu về mức thấp trước đây ít có khả năng. Ngoại trừ việc đồng Dollar mạnh lên và cước tàu vận chuyển tăng cao đang là yếu tố tác động rõ rệt, các yếu tố còn lại vẫn đang chỉ là quan ngại, đặc biệt là thông tin tác động từ dịch bệnh toàn cầu.
Một khi các thông tin này tích cực hơn, thị trường cao su sẽ phục hồi và khởi sắc trở lại. Thời điểm đó nếu diễn ra sớm, có lẽ sẽ là sau Tết Nguyên đán 2022.