Dù đang trong giai đoạn phục hồi và thực hiện “nhiệm vụ kép”, ngành cao su Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm và đang hướng đến sự phát triển bền vững ở toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững.
Ngày 17/12, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tổ chức Hội thảo “Sẵn sàng cho “bình thường mới” tiếp theo: Hướng đi tương lai cho ngành cao su”. Hội thảo được tổ chức với cả 2 hình thức trực tiếp, trực tuyến trong và ngoài nước, với các đại biểu đại diện của các cơ quan Bộ ngành, các tổ chức cao su quốc tế và gần 100 hội viên, cùng tham gia đối thoại về các xu hướng và hướng đi tương lai cho ngành cao su Việt Nam.
6 diễn giả đã trình bày các báo cáo: Xu hướng và các tác động đối với ngành cao su toàn cầu trong tình hình mới (ông Salvatore Pinizzotto – Tổng Thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế); Thành tựu và triển vọng ngành cao su VN (ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA); Lộ trình sản xuất cao su thiên nhiên và gỗ cao su đạt chứng nhận bền vững (ông Diệp Xuân Trường – Phó Trưởng Ban Công nghiệp VRG); Chuyển đổi số: Giải pháp cho ngành cao su hậu Covid-19 (ông Suntara Jumreornvong – phụ trách Dịch vụ số, TÜV SÜD Thái Lan); Giải pháp logistics trong xuất khẩu cao su (bà Phạm Thị Lan Hương – Trưởng ban Dịch vụ Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics VN); Xu hướng giá cao su 2022 (ông DAR Wong – Giám đốc đầu tư, Công ty Tư vấn ALA Pte Ltd).
Ông Diệp Xuân Trường – Phó Trưởng Ban Công nghiệp VRG trình bày tại hội thảo
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, tạo nên những tác động đa chiều đến hầu hết mọi lĩnh vực, ngành nghề. Trong năm 2021, bên cạnh những diển biến phức tạp của dịch bệnh, nền kinh tế nói chung và ngành cao su nói riêng còn phải đối mặt với những thách thức trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng bao trùm toàn cầu, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đẩy lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các biến chủng như Omicron cùng vấn đề bất bình đẳng trong phân phối vaccine giữa các quốc gia, được đánh giá là các trở lực đối với đà phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tiếp theo.
Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA trình bày tại hội thảo
Trong bối cảnh đó, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành cao su thế giới cũng phải đối mặt với tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu nhân công và dịch bệnh nấm lá cao su ở một số nước sản xuất lớn cũng như tình trạng tắc nghẽn cảng biển.
Dù việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong nhiều tháng liền nhằm kiểm soát làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, cộng đồng cao su Việt Nam cũng đã nỗ lực tăng tốc trong giai đoạn thiết lập bình thường mới.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,7 triệu tấn với giá trị 2,8 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, lượng cao su xuất khẩu tăng 11,9% nhưng giá trị tăng đến 40,8%.
Ông Salvatore Pinizzotto – Tổng Thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế trình bày trực tuyến tại hội thảo
Theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng thế giới trong năm 2021 dự kiến đạt 13,882 triệu tấn, tăng khoảng 2,1% so với năm 2020, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng đến 8,6% so với năm trước, ước đạt 14,076 triệu tấn.
Đến cuối năm 2021, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á, trong khi triển vọng về nhu cầu cao su thiên nhiên có thể chịu rủi ro liên quan đến biến thể mới và khả năng tái bùng phát dịch Covid-19 trong mùa đông.
Những thách thức chưa từng có tiền lệ vừa qua cũng đã tạo ra động lực thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và những nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon; cũng như ứng dụng chuyển đổi số để tìm ra các giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn cảng biển và gián đoạn sản xuất.
Đây cũng chính là những chủ đề ngày càng được quan tâm nhằm thúc đẩy công cuộc phục hồi và phát triển trên các lĩnh vực, từng bước kiến tạo trạng thái bình thường mới trong giai đoạn tiếp theo.
Quang cảnh hội thảo
Những năm gần đây, thị trường đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng về ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với cộng đồng. Nhu cầu về cao su thiên nhiên cùng gỗ cao su có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng và mở rộng.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Với chuỗi giá trị vốn phức tạp và khác biệt đối với từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ, việc xây dựng sơ đồ chuỗi cung và trao đổi thông tin, số liệu để tháo gỡ các trở ngại về logistics cũng ngày càng trở nên cấp bách nhằm đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng cao su. Những xu hướng trên đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong ngành cao su Việt Nam cần phải thực hiện các quá trình chuyển đổi nhanh chóng hơn nữa nhằm thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam bình quân đạt 1,6 – 1,7 triệu tấn năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 2 tỷ USD. Đặc biệt trong năm 2021, xuất khẩu cao su vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Với vị trí thứ ba toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi: Nga, Đài Loan…
Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thị Thanh An – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhận định: “Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn; xu hướng tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gia tăng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm bền vững…
Cùng với đó là việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với mức độ hội nhập sâu rộng và toàn diện nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Trong trạng thái bình thường mới tiếp theo sau đại dịch, ngành cao su Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh và tuân thủ tiêu chuẩn thị trường trong cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Đây sẽ là hướng đi tương lai mà doanh nghiệp cao su cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng kịp thời và hiệu quả”.
Bà Bùi Thị Thanh An – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo
“Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành và sự chủ động, tích cực của các hiệp hội, doanh nghiệp, cũng như sự tin cậy của các nhà nhập khẩu nước ngoài, các tổ chức cao su khu vực và quốc tế, ngành cao su Việt Nam sẽ có một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng” – bà An, cho biết.