Đồng thời với sửa đổi Luật Điện lực, việc dành một phần trong Quy hoạch điện VIII để định hướng thu hút nguồn lực tư nhân được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả lĩnh vực truyền tải điện, vốn trước nay phụ thuộc và cũng là gánh nặng của Nhà nước.
Các quyết định giá FIT với ưu đãi lớn đã giúp điện mặt trời và điện gió phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đặc biệt sau Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016. Hai loại hình năng lượng tái tạo này chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 và đặc biệt nửa đầu năm 2021, một vấn đề lớn là phần nhiều các dự án NLTT phải cắt giảm, do nhu cầu suy giảm ở giờ thấp điểm, và đáng chú ý hơn, là do quá tải đường dây tại nhiều khu vực.
Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2016-2020, hệ thống truyền tải điện đã được đầu tư phát triển và nâng cấp, về cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu truyền tải, tuy nhiên thời gian qua xuất hiện một số điểm quá tải cục bộ, đặc biệt tại khu vực Nam Trung bộ, quá tải trên lưới liên kết Bắc - Trung đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh - Nho Quan. Hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng được tiêu chí N-1.
Bên cạnh việc đầu tư hệ thống truyền tải chưa theo kịp đầu tư năng lượng tái tạo, thì một nguyên nhân lớn là có sự mất cân đối nguồn - tải theo vùng miền, thể hiện rõ ở phân bổ các nguồn LNG và NLTT.
Cụ thể, trong số 10 dự án LNG (17.900MW) thì chỉ có 1 dự án tại miền Bắc (1.500MW); trong số 190 dự án điện gió được phê duyệt với tổng công suất 11.860MW, thì miền Bắc chỉ chiếm 1%. Tương tự với loại hình điện mặt trời, có tới 96% trong số 19.098 MWp công suất (175 dự án) được thực hiện tại miền Nam. Tại miền Bắc, công suất nguồn điện không thể tự cân đối nguồn - tải và có xu hướng phải nhận lượng lớn điện năng từ miền Trung và miền Nam.
Trong khi đó, cân đối nguồn - tải tại miền Trung và miền Nam đã dư thừa lại càng trở nên dư thừa hơn do tăng trưởng mạnh nguồn phát. Thực tế này dẫn đến công suất truyền ngược ra phía Bắc tăng lên so với năm 2020, các đường dây truyền tải liên miền, đặc biệt cung đoạn Đà Nẵng - Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nho Quan tiếp tục vận hành căng thẳng.
Một trong những nguyên nhân khiến lưới điện chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng nguồn, là quy định Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải theo Khoản 2, Điều 4, Luật Điện lực. Điều luật này được đánh giá là đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực trạng phát triển hiện nay.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, TGĐ Trung Nam Group, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió ngày càng lớn trong tổng công suất nguồn và vẫn đang tiếp tục được bổ sung vào quy hoạch điện. Tuy nhiên lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp với việc phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trong thời gian vừa qua. Việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán, an ninh hệ thống điện. Dù vậy, việc mở rộng cho phép tư nhân đầu tư vào đường dây truyền tải một phần nào đó hoặc xã hội hóa vẫn chưa được nêu rõ trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Dẫn tới bản quy hoạch này bị "mắc kẹt" trong mâu thuẫn vừa muốn phát triển năng lượng sạch mà không muốn đầu tư quá lớn vào truyền tải điện.
Về góc độ tín dụng, ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB đồng quan điểm, cho rằng xã hội hoá đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện cần được đề cập trong Quy hoạch Điện VIII. Hiện nay, việc giao độc quyền phát triển lưới điện cho EVN khiến chính tập đoàn này khó khăn trong việc huy động vốn, khi giới hạn cấp tín dụng cho EVN không vượt quá 25% vốn tự có của các tổ chức tín dụng.
Chuyên gia MB đề xuất Chính phủ cần tính toán đến giải pháp xã hội hoá truyền tải điện như giao thông đang làm, hoặc cơ chế kết hợp đầu tư đồng bộ truyền tải và nguồn điện, theo đó, dự án nguồn chủ đầu tư khai thác có thời hạn, còn đường dây bàn giao lại EVN sau khi hoàn thành. Thực hiện theo phương thức này thì các tổ chức tín dụng có thể sẵn sàng cung cấp tín dụng cho cả 2 phương án đầu tư nguồn điện và lưới điện.
"Một cách gián tiếp, việc tài trợ vốn trong lĩnh vực NLTT sẽ hanh thông và thuận lợi hơn nếu việc triển khai đầu tư đối với lĩnh vực truyền tải điện được cải thiện", ông Phạm Như Ánh cho hay.
Kỳ vọng về thay đổi lớn
Trên thực tế, định hướng về khuyến khích tư nhân đầu tư vào truyền tải điện là đã có. Nghị quyết 55 vào đầu năm 2020 của Bộ Chính trị đề rõ: "Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước".
Cuối năm ngoái, Trung Nam Group đã đưa vào vận hành trạm biến áp và đường dây 500kV tại Ninh Thuận. Đây là dự án đầu tiên do tư nhân đầu tư xây dựng, giúp giải toả công suất các dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết nhiều dự án năng lượng tái tạo trong khu vực đã truyền tải qua dự án trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV mà Trung Nam đầu tư. Số tiền ước tính thu được từ nguồn điện truyền tải này khoảng 200 tỷ đồng (theo giá đang được áp dụng của Tổng Công ty Truyền tải Quốc gia).
Dự án mà Trung Nam đã triển khai nhanh chóng và thành công cho thấy mức độ hiệu quả nếu để tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Tuy nhiên, để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của thành phần ngoài nhà nước, cần có những chính sách mang tính đột phá để tư nhân yên tâm đầu tư.
Tại dự án truyền tải của Trung Nam, doanh nghiệp này chưa thu được tiền truyền tải điện do Luật chưa cho phép tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải, trong khi Trung Nam vẫn phải bỏ chi phí bảo dưỡng, vận hành đường dây hàng năm.
Ở một diễn biến mang tới nhiều kỳ vọng gần đây, tại cuộc họp phiên thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 8/12, Chính phủ đã đề xuất sửa Điều 4 Luật Điện lực theo hướng Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết để tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện là một trong những giải pháp giảm tải lưới điện hiện nay. Việc để tư nhân tham gia truyền tải điện sẽ được chọn lọc và xem xét kỹ, dự thảo luật sẽ nêu cụ thể loại công trình lưới điện truyền tải nhà đầu tư tư nhân được rót vốn.
Theo ông, các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây cao áp 500 kV và siêu cao áp 800 kV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500 kV (như đường dây 100 kV, 220 kV) thì cho phép tư nhân tham gia. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải thích, việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện. Người dân cũng không phát sinh thêm chi phí. Còn với doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải, ước tính số tiền tiết kiệm đầu tư mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng.
"Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện chiếm hơn một nửa số dự án điện của tư nhân, nên không có lý do gì họ không đầu tư vào truyền tải điện. Họ rót vốn đầu tư dự án truyền tải, còn việc điều độ hệ thống điện vẫn do Nhà nước nắm giữ. Điều này đảm bảo hệ thống điện được vận hành hiệu quả, ổn định", Bộ trưởng Công Thương khẳng định.
Mặt khác, tư nhân khi đầu tư vào lưới điện truyền tải phải tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng, chịu sự quản lý Nhà nước về vận hành như phải cho phép các chủ thể khác được quyền đấu nối vào lưới điện truyền tải. "Ai làm khâu nào được hưởng khâu đó", ông nói.
Tại cuộc họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết, tán thành bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2021. Dự án luật sửa đổi sẽ được trình theo thủ tục rút gọn, để Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.