Các chuyên gia đánh giá năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực cùng với các chính sách hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, tuy nhiên bức tranh tăng trưởng vẫn sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp cũng như nhóm ngành.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khởi đầu năm 2021 một cách mạnh mẽ với chỉ số VN-Index tăng 8,2% chỉ trong 2 tuần đầu. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19 thứ ba đã khiến chỉ số VN-Index giảm xuống mức thấp nhất năm 2021 tại 1.035,51 điểm vào ngày 1/2/2021, tương đương với mức giảm 13,3% so với mức đỉnh vào ngày 15/1/2021.
Nhờ thành công trong việc kiểm soát làn sóng COVID-19 thứ ba trên cả nước, TTCK Việt Nam dần hồi phục, vượt qua đỉnh năm 2018 là 1.204 điểm và thiết lập mức cao mới là 1.420,3 điểm vào ngày 2/7/2021. Thị trường sau đó tiếp tục tăng tốc và thiết lập đỉnh lịch sử mới tại mức 1.500,8 điểm vào ngày 25/11/2021 trước khi điều chỉnh nhẹ và đóng cửa ở mức 1.476,21 điểm vào ngày 13/12/2021.
VNDirect cho rằng, sự bùng nổ của TTCK Việt Nam trong năm 2021 được hậu thuẫn bởi đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết trong 3 quý đầu năm bất chấp đại dịch; môi trường lãi suất thấp đã khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm hơn đến TTCK và tốc độ bao phủ tiêm chủng tăng nhanh thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Hầu hết các ngành chứng kiến đà tăng trong năm 2021, riêng ngành Chứng khoán có đà tăng tốt nhất trong năm 2021 với mức tăng ấn tượng 136,8% từ đầu năm, tiếp theo là Công nghệ thông tin (+84,4%), Bán lẻ (+70%), Xây dựng (+64,4%) và Vật liệu xây dựng (+58,6%). Ngược lại, Đồ uống là ngành duy nhất ghi nhận mức sụt giảm 16,5% từ đầu năm.
Dù vẫn chưa có báo cáo kinh doanh quý 4, nhưng nếu nhìn lại các kết quả đạt được trong những quý vừa qua có thể thấy rằng bên cạnh những doanh nghiệp thua lỗ thì cũng có không ít doanh nghiệp đã sớm về đích. Theo ước tính của VNDirect, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên 3 sàn HOSE, HNX, Upcom trong cả năm 2021 vẫn tăng tốt trên 50% so với cùng kỳ.
Ông Trần Hoàng Sơn, chuyên gia MBS cho rằng kết quả này đạt được là do doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với đại dịch và tìm được hướng đi mới để tạo được doanh thu và lợi nhuận cao.
Tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch CTCK DNSE cho biết, nhìn lại 3 quý đầu năm 2021 thì doanh thu các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tuy nhiên có sự phân hóa rất rõ giữa vốn hóa lớn, vừa và nhỏ. Doanh nghiệp vốn hóa lớn tuy doanh thu tăng trưởng 5-6% nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng hơn 20%. Còn nhóm vốn hóa vừa và nhỏ thì lợi nhuận lại giảm 24%. Điều này thể hiện độ rủi ro và sức chịu đựng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi gặp các khủng hoảng như COVID-19.
Cụ thể hơn, theo ông Giang, trong năm 2021, một lượng lớn dòng tiền đã gia nhập thị trường chứng khoán. Dựa vào dòng tiền này, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều được hưởng lợi, đặc biệt nhóm ngân hàng-tài chính trung bình tăng từ 65-80%, với ngành dịch vụ tài chính trong đó có chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng từ 4-5 lần trên thị trường, những ngành khác liên quan đến sản xuất, vật liệu xây dựng cũng ghi nhận đà tăng trưởng tốt.
“Các cổ phiếu tăng mạnh nhất trong năm vừa qua với mức tăng từ 15-20 lần thì hầu hết lại là những cổ phiếu đầu cơ với nền tảng kinh doanh chưa rõ ràng. Điều này có thể thấy, tâm lý nhà đầu tư bên cạnh những doanh nghiệp có nền tảng, có tình hình kinh doanh bền vững thì cũng có dòng tiền đi vào đầu cơ. Đây là một rủi ro tiềm tàng”, ông Giang nói.
Dự báo về các nhóm ngành bứt phá trong năm 2022, ông Giang đánh giá Việt Nam hiện đã có độ phủ vaccine cao, trong chiến lược mở cửa thì đây là cơ hội rất lớn cho hầu hết nền kinh tế có thể bật tăng trở lại. Thêm vào đó, theo một số dự báo, lợi nhuận của các công ty niêm yết trong năm 2022 sẽ tăng khoảng 17-20% so với năm 2021.
“Tuy vậy theo tôi các nhóm ngành sẽ tiếp tục có sự phân hóa, trong đó ngành tài chính, chứng khoán, dịch vụ liên quan đến bán lẻ sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc. Riêng ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 20-25%, còn các cổ phiếu ngành hàng không sẽ còn phụ thuộc nhiều vào chính sách”, Chủ tịch DNSE nhấn mạnh.
Về phần mình, VNDirect phân tích rằng với độ phủ rộng rãi của vaccine, nền kinh tế Việt Nam sẽ thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022.
Từ đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng VN-Index đạt 1.700-1.750 điểm trong năm 2022, dựa trên các giả định như: P/E của VN-Index vào khoảng 16-16,5 lần vào cuối năm 2022, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên HoSE sẽ tăng trưởng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi tức cổ phần của VN-Index năm 2022 ở mức 1,4%.
“Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022, bao gồm Hàng hóa công nghiệp, Dịch vụ, Bán lẻ và Bất động sản”, VNDirect dự báo.
VNDirect cũng nêu ra 4 luận điểm đầu tư cho năm 2022. Đầu tiên là giá hàng hoá dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong năm tới.
Theo VNDirect, hiện chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index đã vượt mức cao nhất trong 10 năm và giá đã tăng ở hầu hết các mặt hàng, từ năng lượng, kim loại đến nông nghiệp do sự kết hợp của các yếu tố cung và cầu.
Giá của tất cả các mặt hàng đã tăng vọt trong năm nay và theo quan điểm của nhóm chuyên gia, các loại hàng hoá khác nhau sẽ có triển vọng khác nhau trong các giai đoạn tới và những công ty có mức độ phụ thuộc vào giá hàng hoá cao sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này, chẳng hạn như dầu khí và các công ty xuẩt khẩu hàng hoá.
Xu hướng đầu tư thứ hai, theo VNDirect là tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới.
Cụ thể, nhóm chuyên gia nhận thấy Việt Nam đang đẩy mạnh bổ sung nguồn cung đất khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trong 5 tháng năm 2021, Việt Nam thành lập mới 25 khu công nghiệp (KCN), bổ sung 7.300ha diện tích đất công nghiệp, mức tăng diện tích đất cao nhất kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cảng biển cũng được tăng cường để phục vụ tăng trưởng thương mại.
Xu hướng đầu tư thứ ba là sự trỗi dậy của kinh tế số trong bối cảnh bình thường mới.
"Chúng tôi tin rằng các công ty có vị thế nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số cũng như các công ty có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu “digital” của người tiêu dùng sẽ vượt trội hơn so với các đối thủ khác", nhóm chuyên gia nêu quan điểm.
Xu hướng đầu tư thứ tư đến từ sự hồi phục của cầu nội địa kéo theo sự hồi phục của ngành dịch vụ.
“Ngành hàng không, bán lẻ, sản xuất thực phẩm và nước giải khát sẽ là những đối tượng hưởng lợi chính từ khả năng phục hồi tiêu dùng. Chúng tôi cũng tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tốt hơn của ngành bán lẻ trong năm 2022 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ, thời kỳ dân số trẻ và sự thay đổi lối sống của người tiêu dùng theo hướng bán lẻ hiện đại hơn truyền thống”, VNDirect cho biết.