Cả quan chức quản lý và đại diện doanh nghiệp ngành du lịch đều thống nhất rằng để du lịch Việt Nam có thể phục hồi và phát triển thì quan trọng nhất là phải 'mở, mở và mở'.
Hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức tại Thị xã Cửa Lò ngày 25/12 ghi nhận khá nhiều đề xuất của các đại biểu tham dự.
Buổi sáng, sau khi nghe báo cáo của ngành và một số tham luận, phần tọa đàm, TS Võ Trí Thành khái quát trong hai năm 2020 và 2021 ngành du lịch đã từ đỉnh cao danh vọng rơi thẳng đứng và rơi nhanh nhất tất cả các ngành. Ông Thành đề nghị các vị tham gia tọa đàm hãy nói ra những điều các vị đau đáu nhất, trăn trở nhất, những điều mà không nói thì không ăn không ngủ được.
Với gợi ý này, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch chia sẻ về ba từ: an toàn - mở - đồng bộ, để du lịch có thể phục hồi.
Về an toàn, ông Siêu mong ngành y tế vào cuộc để có điểm đến an toàn cho khách, có niềm tin để khách quay trở lại, để du khách luôn thấy được bảo vệ và có chuyến đi mỹ mãn.
Chuyển sang từ thứ hai là "mở", vị Phó tổng cục trưởng cho rằng không có gì tốt hơn là mở cho doanh nghiệp, hàng không phải bay, cửa khẩu phải mở, ngành ngoại giao phải vào cuộc với ngành du lịch, còn ngành y tế thì theo dõi sức khỏe chứ không cách ly du khách. Mở, mở và mở, ông Siêu nhấn mạnh.
Chuyển sang từ khóa thứ ba, ông Siêu nói, muốn mở thì phải đồng bộ, y tế, công an, địa phương phải mở phải thông, bởi du khách không chỉ đến Nghệ An mà còn đến Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nơi khác. Như thời gian qua một số địa phương cát cứ và quy định không thông suốt thì doanh nghiệp rất bức xúc, nên cần phải nhất quán, đồng bộ, ông Siêu nêu quan điểm.
Để du lịch phát triển, theo Phó tổng cục trưởng cần cơ cấu lại theo xu hướng mới, điểm đến phải sạch, sản phẩm phải độc đáo, trải nghiệm phải sâu, giá trị phải cao.
Ông Siêu cũng nhấn mạnh thế mạnh của du lịch Việt Nam là văn hóa, song lợi thế này chưa được khai thác nhiều, và thời gian tới vẫn còn dư địa đầu tư cho văn hóa để kích thích du lịch.
"Phải chăng từ nay viết về chống dịch là không có từ cách ly mà có thể viết là tạm ngồi nghỉ ở nhà", ông Võ Trí Thành bình luận.
Quan điểm "mở, mở và mở" của vị lãnh đạo cơ quan quản lý cũng được các doanh nhân ngành du lịch đồng tình và đề xuất cụ thể hơn.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhìn nhận, mức độ phục hồi của du lịch phụ thuộc vào mức độ dễ dàng di chuyển của khách. Vì thế cần giải tỏa tâm lý cho khách với lá chắn là vắc xin và 5K.
Vị doanh nhân này cũng đề nghị phải tính đến mở của quốc tế, cùng với đó phải tính đến sản phẩm du lịch mà theo ông thì du lịch văn hóa là sản phẩm rất cốt lõi của du lịch Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel thì Việt Nam đang trong lộ trình áp dụng "hộ chiếu vắc xin" để mở cửa du lịch và đón khách quốc tế. Ông Kỳ đề nghị cần sớm có chính sách tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu được về nước. Học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, có thể chia ra ba mức ưu tiên khác nhau để tiếp nhận khách quốc tế là: Mở cửa đơn phương, bong bóng du lịch và làn xanh đối ứng.
Chủ tịch Du lịch Vietravel cũng cho rằng cần triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam. Vì giải pháp này hiệu quả không chỉ với du lịch mà còn có thể tháo “nút thắt” cho nhiều ngành khác, từ thương mại, vận tải, hàng không, dịch vụ, thể thao, văn hóa… để dần phục hồi các hoạt động kinh tế nước nhà.
Ở nhiều quốc gia trong Liên minh EU, Philippines... luật về thẻ thông hành xanh hoặc tương tự còn được Quốc hội thông qua nhằm ưu tiên giải quyết tính pháp lý. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm đó, ông Kỳ nêu quan điểm.
Buổi chiều, Hội thảo tiếp tục với phiên toàn thể, nghe phát biểu của lãnh đạo Quốc hội và tiếp tục thảo luận giải pháp để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển,