Có đến 81,7% doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I/2022 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021. Đó cũng là mong mỏi chung về “cửa sáng” cho cả năm 2022 với điều kiện các DN cần chuẩn bị các chiến lược phát triển dài hơi trong bối cảnh môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi.
Thời điểm này, tại Tp.HCM, nơi từng là “tâm dịch” Covid-19, hầu hết các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đã và đang nỗ lực sản xuất, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu (XK) trong quý I/2022 cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa cho dịp Tết Nguyên đán và các tháng sắp tới.
Mong khắc phục điểm yếu về chuỗi cung ứng
Như với mảng chế biến thực phẩm, theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), dù thực tế tình hình khó khăn chung vì dịch bệnh, giá cả nguyên liệu sản xuất hầu như tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng giảm. Thế nhưng các DN đã sớm dự báo tình hình này và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022, kể cả nếu thị trường có những biến động đột biến thì các DN vẫn đáp ứng được kịp thời.
Các DN chế biến nông sản thực phẩm kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh không chỉ khả quan trong quý I/2022 mà cho cả năm 2022.
Trong gợi ý mới đây của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP ô tô Trường Hải (Thaco), đó là mảng chế biến thực phẩm là một trong những lĩnh vực mà Tp.HCM nên xem xét để phát triển cụm công nghiệp kiểu mới thay vì mô hình khu công nghiệp truyền thống.
Theo ông Dương, ở lĩnh vực này, chi phí vận chuyển tác động lớn đến giá sản phẩm. Trong khi đó, Tp.HCM chính là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Cho nên chi phí logistics sẽ giảm đáng kể nếu như xây dựng được trung tâm chế biến thực phẩm ngay tại thành phố.
Không chỉ là trăn trở tiết kiệm chi phí, hạn chế của ở ngành hàng chế biến thực phẩm nói riêng mà ngay cả công nghiệp chế biến nói chung đã được thấy rõ trong giai đoạn “đỉnh dịch” Covid-19 trong năm 2021 ở Tp.HCM và một số địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đó là có thời điểm đứt gãy nguyên vật liệu và cả chuỗi cung ứng.
Cho nên, trong năm 2022, điều mong mỏi của các DN công nghiệp chế biến chính là cần khắc phục điểm yếu về chuỗi cung ứng. Nhất là các cơ quan quản lý cần giúp DN trong lĩnh vực này đổi mới cơ cấu - tái sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng trong năm 2022 dù còn chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có những cơ hội phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh cho mảng chế biến thực phẩm nói riêng và công nghiệp chế biến nói chung giữa bối cảnh mới.
Ông Dũng chỉ rõ đó là cơ hội quốc tế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cơ hội quốc gia từ sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và cơ hội bản thân từ sự nỗ lực của DN công nghiệp chế biến trong và sau đại dịch.
Trong báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do Tổng cục Thống kê mới thực hiện cho thấy các DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.
Chờ chiến lược dài hơi
Việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ được cho là đã có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến.
Dựa trên kết quả điều tra khảo sát, có đến 83,2% DN công nghiệp chế biến và chế tạo dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2022 so với quý IV/2021 tiếp tục tăng.
Về số lượng đơn đặt hàng XK mới trong quý I/2022 thì 83,3% DN dự báo khả quan, tăng và giữ nguyên so với quý IV/2021. Không chỉ vậy, việc sử dụng lao động quý I/2022 so với quý IV/2021 được dự báo khả quan hơn với 88,2% số DN công nghiệp chế biến dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên.
Thực ra, không chỉ là với quý I/2022 mà cho cả năm 2022 thì tinh thần lạc quan là điều rất cần cho ngành công nghiệp chế biến, nhất là trong hoạt động XK. Bởi lẽ, giữa đại dịch Covid-19 như hiện nay các nền kinh tế đã mở cửa đều thực hiện chính sách là không tái giãn cách xã hội trên diện rộng, ngay cả khi số ca nhiễm bùng phát.
Với xu thế phục hồi tăng trưởng toàn cầu vẫn tiếp diễn, tác động tích cực cho Việt Nam là cầu ở các thị trường lớn đối với hàng XK từ công nghiệp chế biến của Việt Nam sẽ vẫn mạnh trong năm 2022.
Trước những kỳ vọng “cửa sáng” trong năm 2022, giới chuyên gia nhấn mạnh ngành công nghiệp chế biến cũng cần tiếp tục có những thay đổi và thích ứng tốt hơn nữa, chuẩn bị cho các chiến lược phát triển dài hơi trong bối cảnh môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi.
Như lưu ý của chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, rất cần thể chế hóa bộ khung pháp lý DN trong điều kiện mới. Nhất là tập trung và các quy định hiện hành và sẽ có của Nhà nước, cũng như xét về đặc thù của DN trong bối cảnh thích ứng mới.
Hơn nữa, cần đầu tư phát triển hạ tầng hiện đại, vững chắc. Trong đó, tập trung đầu tư trọng yếu là hạ tầng như nhà máy, máy móc và hệ thống phụ trợ trong bộ khung chung của DN nhằm bảo đảm cho phát triển trong điều kiện mới.
“Đặc biệt là nên đầu tư và phát triển công nghệ thông minh tối ưu. Nguồn nhân lực đảm bảo về chất và lượng. Mỗi DN là một tế bào kinh tế thông minh, trách nhiệm, hiệu quả và linh hoạt”, ông Dũng nói.