Theo tính toán của Vietnam Airlines, tình hình vận tải hàng không của năm 2021 xấu hơn năm 2020, dự báo giảm 80% so với năm 2019, giảm tiếp 60% so với năm 2020.
Trong phiên tọa đàm chuyên đề chiều 5/12 của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề: Phối hợp các chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế, Tổng giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Lê Hồng Hà đã đề xuất 3 nhóm chính sách đối với ngành hàng không Việt Nam hướng tới khôi phục, phát triển bền vững.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, đối với vận tải hàng không cần phải có sự điều tiết đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế cũng như quốc nội.
Cụ thể, điều tiết ở bên vận tải cung ứng số lượng máy bay cũng như quản lý giá phù hợp với tốc độ và giai đoạn phục hồi của thị trường. Từ đó, đảm bảo bảo vệ các hãng hàng không có thể đạt được hiệu quả hoạt động trong giai đoạn khó khăn này, cũng như tránh những hệ lụy đã từng làm suy yếu mình ngay trên thị trường vận tải hàng không nội địa, trước khi bước ra cạnh tranh với thế giới.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, cũng như các chính sách về giảm thuế phí, hỗ trợ các khoản vay ưu đãi; trong đó, hỗ trợ này cần ở mức đủ dài trên cơ sở đánh giá về sự phục hồi của thị trường, để đảm bảo các doanh nghiệp có thể vượt qua qua khó khăn và cũng như bắt đầu bước vào một giai đoạn phục hồi.
Trên cơ sở này, đại diện Vietnam Airlines đề xuất, chính sách hỗ trợ cần kéo dài đến hết năm 2024 khi mà thị trường vận tải hàng không nội địa cũng như thị trường vận tải hàng không quốc tế đã có những bước phục hồi với mức tăng trưởng của năm 2019.
Ngoài ra, với các biện pháp phòng chống, dịch của Việt Nam cũng như thế giới đang thực hiện, cần sớm công bố lộ trình mở cửa với các đường bay quốc tế. Nếu xác định được ngày cụ thể để mở cửa cho đối tượng khách đủ điều kiện nhập cảnh và không phải cách ly thì rất tốt. Ở đây vừa đảm bảo có thể công bố được với các nước cũng như để khách hàng biết được thời điểm khi nào có thể vào được Việt Nam và đối với các doanh nghiệp cũng có chủ động sự chuẩn bị ngay cho việc quay trở lại với thị trường.
Bất kỳ một nền kinh tế nào muốn tiến nhanh, tiến xa cũng phải dựa trên nền tảng kết cấu hạ tầng vững chắc, hiện đại; trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ và hành khách một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Ngành hàng không với những ưu điểm nổi trội trong vận tải hành khách và hàng hóa chính là công cụ và bước đệm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung.
Với vai trò là Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tự thân để nâng cao sức năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, hãng được đánh giá tích cực trên thế giới với hàng loạt dấu mốc ấn tượng như trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam và thứ 9 trên thế giới được Skytrax cấp chứng chỉ 5 sao cao nhất về an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, ngày 28/11 vừa qua, với việc thiết lập thành công cầu hàng không San Francisco-Thành phố Hồ Chí Minh, Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không duy nhất khai thác đường bay thẳng không điểm dừng giữa hai nước, giúp hành khách sẽ có thêm cơ hội để di chuyển nhanh chóng, thuận tiện giữa quốc gia. Thông qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa và tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Thực tế, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không thế giới và Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, năm 2020, tổng thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm gần 56% so với năm 2019.
Theo tính toán của Vietnam Airlines, tình hình vận tải hàng không của năm 2021 xấu hơn năm 2020, dự báo giảm 80% so với năm 2019, giảm tiếp 60% so với năm 2020. Giá trung bình trên vận tải hàng không nội địa năm 2021 giảm bớt 30% so với năm 2019, giảm 15% so với năm 2020. Hiện Vietnam Airlines mới đạt được 25% năng lực khai thác, 25% năng lực hoạt động của đội bay./.