Với lợi thế về địa lý và lực lượng lao động, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực kho xưởng.
Trang mạng mingtiandi.com của Thái Lan vừa có bài viết nhận định mặc dù dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu, nhưng không phải lĩnh vực nào cũng chịu tác động tiêu cực.
Trong bối cảnh đó, với lợi thế về địa lý và lực lượng lao động, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực kho xưởng.
Trả lời phỏng vấn tờ Forbes Vietnam, Giám đốc điều hành của công ty cổ phần phát triển công nghiệp BW Lance Li cho biết mặc dù đại dịch COVID-19 đã dẫn đến một loạt khó khăn như làm gián đoạn chuỗi cung ứng và giao vận, song đây cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu về kho xưởng.
Trên thực tế, nhu cầu về kho hàng thời gian qua đã tăng vọt do mạng lưới vận tải bị quá tải và dư thừa nguyên liệu thô để tránh tình trạng thiếu hàng trong kho.
Năm COVID-19 thứ hai là một năm đầy tích cực đối với BW. Đầu năm 2021, công ty BW tiếp nhận các yêu cầu hỏi thuê tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2020.
Gần đây, BW đã ký hợp đồng với công ty giao vận và giao hàng trọn gói J&T để xây kho hàng rộng 5 hecta tại một vị trí chiến lược ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Wanek Furniture -công ty sản xuất chính trong chuỗi cung ứng của một trong những nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất tại Mỹ Ashley Furniture- đã thuê thêm một khu đất rộng 4 hecta của BW tại tỉnh Bình Dương.
Các container hàng hóa tại Tân cảng Cát Lái. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)
Trong hai năm qua, nhu cầu thị trường tăng vọt khiến nhà máy của BW tại khu công nghiệp VSIP 2A đã được lấp đầy sau khi hoàn thành xây dựng vào đầu tháng 6.
Ông Li đánh giá đại dịch COVID-19 chính là cơ hội để các nhà sản xuất và các công ty phát triển kho xưởng xem xét lại chiến lược kho hàng. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các nhà sản xuất chỉ nhận hàng hóa vào đúng thời điểm cần cho sản xuất để giảm chi phí lưu kho và tối ưu hiệu quả sử dụng không gian hơn.
Tuy nhiên, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vì dịch COVID-19, chiến lược tinh gọn này đã bộc lộ điểm yếu. Việc tàu hàng chở nguyên liệu cập cảng muộn là một trong số nhiều nguyên nhân gây thiếu linh kiện trầm trọng và làm đình trệ sản xuất.
Ông Li nhận định: “Do ngành vận tải biển toàn cầu thiếu container nên đã khiến các kho hàng chật cứng trong một thời gian dài trước khi các nhà xuất khẩu có thể chuyển hàng lên tàu. Tình trạng này đã làm nhu cầu về nhà kho tăng cao hơn bao giờ hết.”
Trong khi đó, với lực lượng lao động có tay nghề cao và tương đối rẻ, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh chóng và ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại như Khu vực thương mại tự do ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ khiến nhu cầu kho xưởng ngày càng tăng tại Việt Nam, dù lĩnh vực này mới chỉ chiếm 5,5% tổng doanh thu bán lẻ.
Nhu cầu kho bãi xưởng hiện đại, dây chuyền lạnh và kho lạnh đang ngày càng tăng. Các kho xưởng hiện đại, cao tầng cũng đang được triển khai nhanh hơn trong vài năm tới, đặc biệt là quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Li, tiềm năng tăng trưởng to lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đổ vào Việt Nam đã khiến doanh nghiệp tin tưởng rằng còn rất nhiều dư địa để mở rộng thị trường này.
Trong tương lai, ông Li cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi chính từ việc tái phân bổ các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á. Sự thay đổi mạnh mẽ này sẽ được thúc đẩy hơn nữa nhờ gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch COVID-19./.