Covid thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là y tế. Ngược lại, chuyển đổi số cũng chính là "liều thuốc" quan trọng cho ngành y góp phần chống lại bệnh dịch này.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình chỉ rõ 8 lĩnh vực ưu tiên, trong đó y tế là ngành được nêu đầu tiên.
Bước sang năm thứ hai, nhân loại chứng kiến đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề trên quy mô toàn cầu. Trong khi cả thế giới điêu đứng vì Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát dịch hiệu quả. Thành quả này là nỗ lực tuyệt vời của ngành y tế.
Việc chuyển đổi và triển khai nhanh chóng các ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 như Bluezone, khám chữa bệnh từ xa… giúp đem lại hiệu quả tích cực trong giai đoạn phòng chống dịch. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khám chữa bệnh giúp chuẩn đoán bệnh chính xác hơn. Càng ngày càng nhiều hơn bài toán của ngành y mà công nghệ có thể tham gia xử lý.
ĐỘNG LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG Y TẾ
Theo Schneider Electronic Việt Nam, y tế toàn cầu thiếu hụt 13 triệu người vào năm 2025. Số hóa trong y tế toàn cầu là bắt buộc để giảm thiếu hụt nguồn nhân lực. Tình trạng tương tự xảy ra ở Việt Nam. Ngoài ra, trải nghiệm bệnh nhân là yếu tố then chốt. Số hóa trong việc ra đơn thuốc, y tế điện tử là những tiêu chí bắt buộc để y tế đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Thiếu dữ liệu cũng là kẻ thù trong khám chữa bệnh. Tất cả thông tin dữ liệu từ tầng thấp nhất đến cao nhất phải được kết nối với nhau, từ đó sử dụng thuật toán để phân tích thành các thông tin hữu ích, giúp vận hành thông minh. Ngoài thông tin, các hệ thống thiết bị máy móc trong bệnh viện cũng cần được kết nối nhiều hơn.
Công nghệ số trong y tế
Những năm qua, xu hướng ứng dụng công nghệ trong y tế số là trí tuệ nhân tạo AI, y tế từ xa, IoT, chăm sóc tại nhà, các thiết bị thông minh. Năm 2020, bổ sung thêm một số công nghệ là dự báo về AI, ứng dụng các dự báo vào quá trình điều trị, tự động hóa các quy trình bằng robot phần mềm. Đây chính là sự hợp lức giữa người và máy tăng hiệu quả hoạt động trong ngành y tế, công nghệ Blockchain. Để thực hiện chuyển đổi số cho ngành y, cần tăng hiệu suất của các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng và hình ảnh của ngành y tế và đem đến trải nghiệm tối ưu cho người bệnh.
Covid chính là yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là y tế. Dữ liệu và nền tảng phân tích dữ liệu là trái tim chuyển đổi số của ngành y tế.
Kết nối, tạo lập và tạo lập dữ liệu y tế
XÁC ĐỊNH CÁC MỤC TIÊU CỤ THỂ
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, ngành y đã đặt ra những mục tiêu trong giai đoạn trước mắt một cách cụ thể.
Mục tiêu của ngành là tới năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tích hợp lên cổng quốc gia triển khai trên thiết bị di động, 90% người dân được định danh y tế, 100% cán bộ y tế được định danh, 80% hệ thống thông tin y tế kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp dữ liệu y tế, 90% hồ sơ, công việc trong cơ quan, đơn vị y tế được xử lý trên môi trường mạng, 60 % dịch vụ y tế được thanh toán điện tử, 20% lượt khám chữa bệnh (KCB) từ xa, 50% lượt đăng ký KCB trực tuyến, 15% bệnh viện (tương đương 210 bệnh viện) chuyển đổi số thành công với triển khai bệnh án điện tử, thanh toán không tiền mặt, 70% bệnh viện có hệ thống KCB từ xa, đăng ký KCB trực tuyến, 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối với tất cả các cơ sở KCB, 100% phần mềm quản lý y tế xã có đầy đủ chức năng, kết nối liên thông...
Chuyển đổi số tác động tới ngành y tế toàn diện, từ cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý, cho đến cách thức quản lý công việc và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Trong một năm phải gồng mình chống chọi Covid-19 với nhiều dấu ấn để lại, ngành y tế vẫn có không ít điểm sáng về điển hình chuyển đổi số.
Sở Y tế Đồng Tháp có hệ thống thông tin kết nối được 22 bệnh viện và 143 y tế phường xã. Đây là mô hình đầu tiên toàn diện nhất quản lý thông tin ngành y tế. Lãnh đạo ngành có hệ thống tổng thể quản lý các số liệu và diễn biến y tế ở trong tỉnh góp phần ra quyết định nhanh chóng. Ngoài ra, các chuyên gia có thể truy vấn dữ liệu lịch sử khám chữa bệnh của người dân, hạn chế các chỉ định lặp lại tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh. Người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử và hẹn lịch khám từ xa, nhận được những thông tin cảnh bảo từ sở y tế tới người dân. Từ khi đi vào hoạt động tháng 6/2020, hệ thống thực hiện việc kết nối và chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018 đối với tất cả cơ sở y tế tại địa phương, tạo lập được kho hồ sơ dữ liệu y tế điện tử cho hơn 1 triệu dân trên toàn tỉnh với trên 9,2 triệu lượt hồ sơ khám, chữa bệnh.
Với trường hợp của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (CNTT) - cho biết bệnh viện bắt tay vào quá trình ứng dụng CNTT, số hóa các hoạt động từ tương đối sớm. Năm 1994-2003, bệnh viện thực hiện số hóa thông tin người bệnh, các kho. Đến năm 2004, bắt đầu số hóa chi phí khám bệnh nội trú. Năm 2006 số hóa việc kê đơn và từ 2014 lưu trữ online một số bệnh án mãn tính, chuyên môn. Nhờ quá trình số hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 sở hữu kho dữ liệu cảnh báo và ứng dụng nguyên lý máy học trong hệ thống nhắc kê đơn an toàn, giúp giảm tỷ lệ sai sót trong kê đơn ngoại trú từ 15,5% xuống còn 9,2%.
Giao diện điều hành hệ thống y tế Đồng Tháp
Việc ứng dụng công nghệ thông minh và thiết bị IoT trong quản lý môi trường kho thuốc cũng giúp quản lý tập trung, giảm nguồn lực bảo trì, giải quyết sự cố nhanh hơn đồng thời tiết kiệm điện năng hơn 25 lần so với máy tính bình thường. Bệnh viện tiết kiệm gần 1 tỷ đồng mỗi năm cho khoản thay thế 600 máy tính, bảo vệ môi trường do nhiệt và lượng bụi và thiết bị hỏng phế thải ra môi trường ít hơn nhiều so với máy tính. Mô hình này giảm chi phí đầu tư ba lần nhưng vẫn đảm bảo an toàn thông tin.
NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SẴN SÀNG
Những năm qua, ngành CNTT Việt Nam có bước phát triển mạnh, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương một phần ba GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên.
Theo Cisco, mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam đang ở mức trung bình ở vị trí 70/141 quốc gia, với điểm mức là 12,06/25 điểm. Theo Temasek, Bain&Company, kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử (TMĐT), du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) với trên 500 doanh nghiệp, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm quyết tâm của lãnh đạo tổ chức, chi phí thời gian nguồn lực và cách thức chuyển đổi số phù hợp với tổ chức.
Ngành y tế cùng 7 lĩnh vực cần ưu tiên khác trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp hứa hẹn thay đổi bộ mặt đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng.
Nền tảng CNTT phát triển sớm, bắt kịp thế giới là yếu tố thuận lợi cho ngành y tế và kế hoạch chuyển đổi số quốc gia thành công và hứa hẹn đạt nhiều đột phá trong những năm tới.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là 6%, năm 2019 khoảng 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%, 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu khoảng 36%.
Theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước Đông Nam Á chuyển đổi số thành công, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD; trong đó, đối với Việt Nam, GDP năm 2030 dự báo sẽ tăng 100 tỷ USD.