• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.246,09 -3,46/-0,28%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.246,09   -3,46/-0,28%  |   HNX-INDEX   221,68   -0,01/0,00%  |   UPCOM-INDEX   92,84   +0,04/+0,04%  |   VN30   1.314,81   -2,14/-0,16%  |   HNX30   461,80   +1,55/+0,34%
21 Tháng Giêng 2025 9:04:19 CH - Mở cửa
Công ty chứng khoán đua tăng vốn để thêm nguồn cho vay margin
Nguồn tin: Người đồng hành | 17/03/2021 9:46:10 SA
Nhiều công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn để bổ sung nguồn tiền cho hoạt động ký quỹ (margin) trong bối cảnh nhiều lần xảy ra tình trạng "căng" margin.
Một số CTCK đang hợp tác với khách hàng để dùng nguồn tiền nhàn rỗi bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
 
Từ cuối năm 2020, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam luôn được duy trì ở mức cao khiến sàn HoSE liên tục rơi vào tình trạng nghẽn lệnh. Nhà đầu tư không thể giao dịch trong phần lớn thời gian của phiên chiều.
 
Sự cải thiện của thanh khoản cũng khiến dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) của nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tăng mạnh. Số liệu từ lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy margin toàn thị trường tại thời điểm 31/12/2020 là hơn 81.000 tỷ đồng. Con số này được lãnh đạo UBCKNN đánh giá là “đảm bảo” vì chưa tới 1 lần vốn chủ sở hữu của các CTCK. Quy định cho phép lượng margin tối đa là 2 lần vốn chủ sở hữu.
 
Tuy nhiên, margin của các CTCK không phải là bình thông nhau, có công ty đã cho vay chạm tới mức giới hạn, trong khi nhiều đơn vị cho vay không đáng kể. Bên cạnh đó, CTCK không được cho vay đối với 1 mã chứng khoán 10% vốn chủ sở hữu, dẫn đến việc một số cổ phiếu "hot" rơi vào tình trạng hết "room" cho vay.
 
Thống kê từ 30 công ty chứng khoán tới 31/12/2020, các khoản cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước tiền bán) tại thời điểm 31/12/2020 đạt hơn 88.040 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm và 39,5% so với cuối quý III/2020.
 
Khảo sát tại thời điểm giữa tháng 1, nhiều CTCK bất ngờ ngừng cấp margin cho khách hàng với lý do không còn dư địa. Nhiều cổ phiếu không còn “room để mua” như HPG, SHB…

 
Tổng các khoản cho vay của 30 CTCK. Đơn vị: Tỷ đồng.
 
Trước việc thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động, nhiều CTCK muốn tăng nguồn cho vay margin. Để làm được việc này, CTCK cần tăng vốn chủ sở hữu, qua đó nâng giới hạn margin được phép cho vay. Bên cạnh đó, CTCK cũng cần tìm thêm nguồn vốn để có nguồn cho vay.
 
Vốn chủ sở hữu có thể tăng dựa trên lợi nhuận tích lũy từ kinh doanh, hoặc chào bán cổ phiếu mới để tăng vốn. Lợi nhuận tích lũy rõ ràng không thể tăng nhanh do đến từ kết quả kinh doanh được công bố định kỳ. Do đó, nhiều công ty chứng khoán có xu hướng chào bán tăng vốn điều lệ, vừa giúp tăng vốn chủ sở hữu - giúp gián tiếp tăng hạn mức cấp margin, vừa tạo nguồn cho vay khi việc huy động vốn từ trái phiếu đã không còn dễ dàng như năm ngoái do bị siết chặt lại bởi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020.
 
Kết quả kinh doanh năm 2020 tăng trưởng mạnh giúp giá nhiều cổ phiếu chứng khoán tăng 2-3 lần cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chào bán.

 
Các khoản cho vay và vốn chủ sở hữu năm 2020 của 10 CTCK lớn nhất. Đơn vị: Nghìn tỷ đồng.
 
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND), đơn vị này muốn phát hành thêm tối đa là hơn 220 triệu cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền mua là 1:1. Mục đích của đợt chào bán này là tăng quy mô vốn hoạt động của công ty, mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có đảm bảo.
 
Tương tự, Chứng khoán TP HCM (HoSE: HCM) cũng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 2.135 tỷ đồng, trong đó, công ty dự kiến sẽ phân bổ cho hoạt động giao dịch ký quỹ 1.495 tỷ đồng.
 
Chứng khoán Đà Nẵng (UPCoM: DSC) cũng mới lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn điều lệ tăng từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Như vậy khối lượng phát hành là 94 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ gần 1.567%.
 
Đối với Chứng khoán SSI (HoSE: SSI), công ty chuẩn bị phát hành thêm gần 47 triệu cổ phần để thực hiện chuyển đổi 1.150 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu theo yêu cầu của trái chủ. Giá chuyển đổi là 24.541 đồng/cổ phiếu (đã được điều chỉnh theo điều khoản chống pha loãng). Ước tính sau khi thực hiện thành công vốn điều lệ của SSI tăng lên gần 6.500 tỷ đồng. Công ty cho biết việc quyết định chuyển đổi thành cổ phiếu là thông tin tích cực, đảm bảo duy trì nguồn lực tài chính vững chắc, tăng khả năng thực hiện các hoạt động như cho vay margin, phát hành trái phiếu… đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng và doanh nghiệp trong nước.
 
Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng trong CTCK
 
Hiện tại, nhiều CTCK có hình thức huy động khác để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh từ chính tiền của khách hàng. Theo thống kê, số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào cuối tháng năm 2020 khoảng 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục.
 
Nhiều CTCK nhanh chóng tận dụng nguồn tiền này để huy động cho hoạt động kinh doanh bằng hình thức trả lãi cho khách hàng - được nhiều bên đặt là “hợp đồng hợp tác đầu tư”. Với hình thức này, thì cả 2 bên đều có lợi khi khách hàng được hưởng lãi suất trong khi CTCK lại huy động được nguồn vốn giá rẻ.
 
Theo khảo sát ở một số CTCK như Chứng khoán MB (HNX: MBS), Chứng khoán VPP (VPS), VNDirect, hình thức hợp tác đầu tư như trên đang có lãi suất dao động từ 3% - 7%/năm phụ thuộc vào kỳ hạn gửi tiền của nhà đầu tư.
 
 
Sản phẩm DMONEY của VNDirect là sản phẩm tài chính được giới thiệu là giúp khách hàng tối ưu nguồn tiền nhàn rỗi chỉ từ 1 triệu đồng với lãi suất hấp dẫn và kỳ hạn linh hoạt.

 
Sản phẩm Money Market của VPS.
 
Một điểm cần lưu ý là CTCK không có quyền huy động tiền gửi, chỉ ngân hàng thương mại mới được thực hiện nghiệp vụ này. Trong bối cảnh thị trường tăng điểm, việc hợp tác sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, rủi ro sẽ đến khi thị trường rơi vào tình trạng giá xuống và CTCK không quản trị rủi ro chặt chẽ khiến không thể thu hồi lượng tiền cho vay margin. Điều này khiến CTCK có thể gặp khó khăn trong việc hoàn trả các khoản đã vay cho khách hàng.