Quy định mới buộc doanh nghiệp giảm vốn điều lệ sau khi mua cổ phiếu quỹ.
Doanh nghiệp có lượng cổ phiếu quỹ mua trước khi luật 2019 có hiệu lực có thể bán hoặc làm cổ phiếu thưởng.
Nhiều doanh nghiệp đăng ký bán cổ phiếu quỹ mua nhiều năm trước trong thời gian gần đây.
Doanh nghiệp phải hủy cổ phiếu đã mua lại
Theo Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021, công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính mình phải tiến hành xin ý kiến cổ đông thông qua để giảm vốn điều lệ. Trong khi trước đây, doanh nghiệp muốn mua lại cổ phiếu của chính mình chỉ cần công khai thông tin mục đích mua, số lượng cổ phiếu được mua, nguồn vốn mua và thời gian thực hiện.
Với lượng cổ phiếu quỹ đã mua trước thời điểm Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, doanh nghiệp được bán hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng. Còn hiện tại, doanh nghiệp sẽ tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, đồng thời không được chào bán cổ phần tăng vốn trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định doanh nghiệp không được mua lại cổ phiếu của chính mình cho đến khi hoàn thành việc xử lý số cổ phiếu quỹ đã mua trước đó trừ trường hợp mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông; mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty; mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu; công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.
Điều này khiến doanh nghiệp cân nhắc kỹ trong việc sử dụng việc mua cổ phiếu quỹ như một công cụ để bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong đợt dịch Covid-19 mới bùng phát vào đầu năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp đã tiến hành mua lại cổ phiếu tạo tâm lý ổn định cho nhà đầu tư và khi giá cổ phiếu tăng cao thì đăng ký bán ghi nhận lợi nhuận.
Ngoài chức năng bình ổn giá thì nhiều doanh nghiệp còn sử dụng cổ phiếu quỹ như là công cụ gia tăng giá trị cho cổ đông. Vào năm 2018, Masan Group (HoSE:
MSN) gây chú ý với thương vụ bán gần 110 triệu cổ phiếu quỹ cho SK Group với giá 11.000 tỷ đồng trong khi giá trị ghi sổ chỉ khoảng 6.500 tỷ đồng.
Doanh nghiệp không thể tìm kiếm thêm lợi nhuận từ việc mua bán cổ phiếu quỹ.
Làn sóng bán cổ phiếu quỹ
Những quy định mới sẽ hạn chế doanh nghiệp tiếp tục thực hiện công cụ mua lại cổ phiếu khi giá trên thị trường giảm mạnh, đồng thời thúc đẩy hoạt động bán cổ phiếu quỹ trong thời gian tới.
Vào cuối tháng 1, khi cổ phiếu
HSG của Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ giảm mạnh từ vùng 27.000 đồng/cp về 22.000 đồng/cp, lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định mua vào 22 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, do quy định mới, Hoa Sen phải bán lượng cổ phiếu quỹ đang có và tiến hành lấy ý kiến cổ đông mua lại cổ phiếu giảm vốn điều lệ.
Hay Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons vừa lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án bán 58.600 cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Sau khi bán xong, doanh nghiệp sẽ tiến hành mua lại 3 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, nguồn mua từ thặng dư vốn cổ phần.
Thực tế, từ cuối năm trước, việc thị trường chứng khoán sôi động, cổ phiếu tăng giá mạnh nhiều doanh nghiệp như
DIC Corp, Haxaco, Vinamilk,
GTN Foods, Fecon… đã bán hết cổ phiếu quỹ và ghi nhận lợi nhuận lớn. Làn sóng này vẫn được tiếp diễn cho đến đầu năm nay.
Đầu tư Nam Long (HoSE:
NLG) mới đây thông bán bán toàn bộ 10 triệu cổ phiếu quỹ để tài trợ vốn lưu động và mở rộng quỹ đất, thời gian giao dịch từ 9/3 đến 7/4. Đây là lượng cổ phiếu doanh nghiệp mua lại từ giữa năm 2019 với giá bình quân 29.628 tỷ đồng.
Tập đoàn Petrolimex (HoSE:
PLX) lên kế hoạch bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ trong năm nay. Mới đây, doanh nghiệp thông báo bán tiếp 25 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 1/3 đến 30/3, sau giao dịch lượng cổ phiếu quỹ giảm từ 75 triệu về 50 triệu đơn vị. Eneos Corporotion (Nhật Bản) – cổ đông chiến lược của Petrolimex – đã đăng ký mua.
Cổ phiếu tăng 63% kể từ đầu năm, Mía đường Lam Sơn (HoSE:
LSS) đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu từ ngày 10/3 đến 8/4, mục tiêu là bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE:
GEX) dự kiến bán hết 6,3 triệu cổ phiếu quỹ trong quý II để bổ sung vốn lưu động. Trước đó, doanh nghiệp đã phân phối 12 triệu cổ phiếu quỹ cho cán bộ công nhân viên theo chương trình ESOP với giá ưu đãi 12.000 đồng/cp.
Phát triển Đô Thị (UPCoM:
UDJ) đăng ký bán gần 1,89 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng tỷ lệ 12,93% vốn để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Số cổ phiếu quỹ nói trên được công ty mua 2 đợt hồi năm 2015 và 2017 với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/cp. Hiện nay, cổ phiếu được giao dịch ở vùng giá 12.000 đồng/cp, nếu bán được ở mức giá này thì đơn vị 198%.
Trên thị trường chứng khoán, còn rất nhiều doanh nghiệp có khối lượng cổ phiếu quỹ lớn. Tính đến cuối năm 2020, Vinhomes (HoSE:
VHM) ghi nhận 5.549 tỷ đồng cổ phiếu quỹ, tương đương 60 triệu đơn vị; Vincom Retail (HoSE:
VRE) có lượng cổ phiếu quỹ ghi sổ 1.954 tỷ đồng (56,5 triệu đơn vị); Hãng hàng không Vietjet (HoSE:
VJC) có 17,8 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị sổ sách 2.347 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2020, Vinaconex (HoSE:
VCG) mua vào 39,3 triệu cổ phiếu quỹ với giá trị mua 1.644 tỷ đồng.
Hay Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP
HCM (HoSE:
CII) có 44,3 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị ghi sổ 1.028 tỷ đồng. Đầu năm 2020, đơn vị mua lại thêm 9 triệu cổ phiếu để bình ổn giá. .