Khối ngoại sàn HoSE bán ròng 235 tỷ đồng theo phương thức khớp lệnh. VHM được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 2.320 tỷ đồng, trong đó đến hơn 2.170 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận.
VN-Index có tuần tăng điểm nhẹ với việc thường xuyên bị nghẽn lệnh ở ngay trong phiên sáng. Chốt tuần, VN-Index đứng ở mức 1.231,66 điểm, tương ứng tăng 7,21 điểm (0,6%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 1,1 điểm (-0,4%) xuốngcòn 293,79 điểm. UPCoM-Index tăng 0,74 điểm (0,9%) lên 83,01 điểm.
Giao dịch của khối ngoại tiếp tục có xu hướng tích cực hơn, tính chung toàn thị trường, dòng vốn ngoại trong tuần từ 5-9/4 mua vào 196,7 triệu cổ phiếu, trị giá 9.732 tỷ đồng, trong khi bán ra 168,6 triệu cổ phiếu, trị giá 7.363 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức hơn 28 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.369 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng đột biến 2.389 tỷ đồng (tăng vọt so với mức 69 tỷ đồng của tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng gần 30 triệu cổ phiếu. Điểm đáng chú ý là nếu chỉ tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn ngoại sàn này bán ròng gần 235 tỷ đồng.
Khối ngoại trên HoSE mua ròng mạnh nhất với 2.320 tỷ đồng, trong đó đến hơn 2.170 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận. Đứng thứ 2 danh sách mua ròng sàn HoSE là VRE với 340 tỷ đồng. HPG và MSN được mua ròng lần lượt 283 tỷ đồng và 154 tỷ đồng. Chiều ngược lại, CTG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 759 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VNM với 180 tỷ đồng. BID và KDH cũng bị bán ròng mạnh với lần lượt 128 tỷ đồng và 104 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 55 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng bán ròng là hơn 3,4 triệu cổ phiếu.
PVS đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HNX với 25,4 tỷ đồng. NRC và MCF bị bán ròng lần lượt 16 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Trong khi đó, SHS được mua ròng mạnh nhất sàn này với 10 tỷ đồng. VND cũng được mua ròng 8 tỷ đồng.
Tại sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng trở lại gần 36,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 1,6 triệu cổ phiếu. ABR được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất với 61 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng là MML nhưng giá trị chỉ là hơn 12 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VTP bị bán ròng mạnh nhất với 52 tỷ đồng. BSR đứng sau với 10 tỷ đồng.