Trong năm 2020, PV Gas đã giải ngân đầu tư hơn 6.750 tỷ đồng, hoàn thiện nhiều dự án.
Tổng công ty sẽ tiếp tục giải ngân đầu tư lớn trong năm 2021, tập trung vào các dự án hạ tầng khí.
Kế hoạch kinh doanh 2021 tăng 7% về doanh thu và giảm 11% về lợi nhuận sau thuế.
Giải ngân hơn 6.700 tỷ đồng đầu tư năm 2020
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 sáng ngày 16/4, ông Dương Mạnh Sơn, Tổng giám đốc PV Gas (HoSE:
GAS) cho biết năm vừa qua đơn vị gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Dịch Covid-19 khiến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ trong nước bị tác động nặng nề, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm, đặc biệt là sản phẩm khí của PV Gas cung cấp cho sản xuất điện và công nghiệp.
Cùng với đó, giá dầu và giá CP của LPG giảm sâu, có thời điểm về dưới 0, duy trì mức thấp so với giá kế hoạch. Giá dầu Brent trung bình năm khoảng 41 USD/thùng, bằng 68% kế hoạch năm; giá CP trung bình khoảng 395 USD/tấn, bằng 95% kế hoạch.
Do vậy, tổng công ty ghi nhận tổng doanh thu 65.636 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước và thực hiện 99% kế hoạch năm. Lãi sau thuế 7.792 tỷ đồng, giảm 33% và vượt 20% kế hoạch năm. Với kết quả này, HĐQT trình phương án chia cổ tức tỷ lệ 30% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, một điểm sáng trong năm 2020 là giải ngân đầu tư lớn đạt 6.751 tỷ đồng, thực hiện 99% kế hoạch năm và gấp 2,3 lần năm 2019. Theo lãnh đạo PV Gas, một số thành tựu trong đầu tư năm 2020 là hoàn thành đưa vào vận hành dự án Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh vào tháng 12 năm trước góp phần bổ sung đáng kể lượng khí suy giảm ở khu vực Đông Nam Bộ; hoàn thành xây dựng lắp đặt, vận hành dự án đường thu gom, vận chuyển khí mỏ Song Vàng – Đại Nguyệt, đang thực hiện thanh quyết toán; hoàn thành dự án cải hoán GPP Dinh Cố để tiếp nhận khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh – giai đoạn 2...
Đại hội PV Gas diễn ra sáng ngày 16/4. Ảnh: M.H
Thoái vốn PV Pipe và Gas South, đầu tư vào Petec
Về hoạt động kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết mảng LNG xuất hiện đối thủ cạnh tranh mới là Công ty Năng lượng Hải Linh, do đó có thể gặp khó khăn trong việc giữ thị trường và khách hàng các năm tới. Tỷ trọng nguồn khí giá thấp giảm làm tăng chi phí; sản xuất ống thép, bọc ống chưa tìm được dự án lớn để triển khai, trong trường hợp dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn lùi tiến độ thì tiếp tục khó khăn; cơ chế chính sách có sự thay đổi.
HĐQT trình phương án tiêu thụ 9,5 tỷ m3 khí và 1,6 tỷ tấn LPG, lần lượt tăng 10,5% và giảm 16% so với thực hiện năm trước. Tổng doanh thu 70.169 tỷ đồng, tăng 6,7%; lãi sau thế 7.036 tỷ đồng, giảm 11% so với 2020. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 25% vốn điều lệ. Kế hoạch kinh doanh của tổng công ty dựa trên phương án giá dầu 45 USD/thùng, tỷ giá USD là 23.500 đồng.
Về đầu tư, tổng công ty tiếp tục đặt mục tiêu giải ngân đầu tư 6.256 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện năm trước; tập trung vào hệ thống hạ tầng nhập khẩu LNG.
Trả lời câu hỏi cổ đông liên quan đến nhập khẩu LNG, vị CEO lý giải trong lộ trình phát triển kinh tế đất nước, để tăng GDP thì phải có đủ điện và điện khí là một phần quan trọng đáp ứng nhu cầu. Nhiều năm nay, Việt Nam vốn thiếu khí nên phải nhập khẩu LNG để bổ sung. PV Gas đã xây dựng chiến lược sử dụng nguồn khí phát triển nội địa và nhập khẩu bên ngoài sao cho hài hòa, cân đối phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, với trữ lượng thăm dò, tìm kiếm dầu và khí thì Việt Nam chỉ mới khai thác khoảng 50% nên tương lai nguồn tài nguyên dầu khí trong nước còn lớn, tươi sáng. Với luật sửa đổi và phát triển khoa học công nghệ thì nguồn tài nguyên dầu khí đó có thể đưa vào sản xuất với chi phí cạnh tranh.
Về hoạt động tái cấu trúc, tổng công ty tiếp tục triển khai các thủ tục để thoái vốn tại PV Pipe và Gas South (HNX: PGS), nhận chuyển nhượng 20% vốn PVE tại hợp đồng hợp tác kinh doanh tòa nhà PV Gas Tower, giải thể LNG VN và chủ trương đầu tư vào Petec (UPCoM: PEG).
Tại đại hội, ông Sơn cho biết ban lãnh đạo sẽ nỗ lực để triển khai việc thoái vốn trong năm nay cho phù hợp tiến độ, tuy nhiên việc hoàn thành được hay không thì phụ thuộc vào thị trường.
Đầu tư vào Petec là vấn đề hết sức quan trọng trong việc duy trì và phát triển hạ tầng cho khu công nghiệp cảng Cái Mép, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nguồn khí trong nước và nhập khẩu. PV Gas đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để đầu tư vào Petec. Vừa qua ,Chính phủ mới đã ra mắt. Vì vậy, Ban lãnh đạo kỳ vọng quá trình nhận chuyển nhượng phần vốn Petec từ PV Oil có thể thực hiện trong năm 2021, tạo tiền đề phát triển cho PV Gas trong các năm tiếp theo.
Hoạt động kinh doanh của Petec không hiệu quả, nhiều năm thua lỗ. Riêng năm 2020, doanh nghiệp lỗ 102 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 1.800 tỷ đồng. Song Petec là đơn vị bán buôn xăng dầu với tỷ trọng 90%, bán lẻ chưa đầy 10% và sở hữu 25 cây xăng. Đặc biệt là kho cảng của đơn vị này khá tốt, với kho chú ý nhất tại cảng Cái Mép, Vũng Tàu, phù hợp với chiến lược phát triển của PV Gas.
Đơn vị: tỷ đồng