Cổ đông xem xét ủy quyền cho HĐQT quyết định bán vốn của VPBank tại các công ty con.
Ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 28% trong năm nay.
VPBank vừa ký thỏa thuận bán 49% vốn FE Credit cho Sumitomo Mitsui với định giá 2,8 tỷ USD.
Năm 2020, FE Credit đóng góp 30% lợi nhuận hợp nhất cho VPBank, tương đương khoảng hơn 3.700 tỷ đồng.
Chiều 29/4, VPBank (HoSE:
VPB) họp cổ đông thường niên 2021, trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước. Mục tiêu tổng tài sản tăng 17% đạt 491.886 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5% lên 327.280 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng, điều chỉnh theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao.
Năm 2020, VPBank lãi trước thuế 13.019 tỷ đồng, tăng 26%, vượt 27% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 10.413 tỷ đồng, tăng 26%. Ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank chia sẻ FE Credit đóng góp 30% lợi nhuận, thấp hơn những năm trước (dao động 40-45%). Dù dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến các công ty tài chính tiêu dùng, FE Credit bị ảnh hưởng ít nhất và cũng là cơ sở để tạo sức bật lớn trong những năm tới. Hiện nay, FE Credit nắm 52% thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo ông Vinh, ngân hàng mẹ VPBank năm qua mang về lợi nhuận 9.300 tỷ đồng, trong đó những mảng chiến lược như phân khúc khách hàng cá nhân, mang về 2.000 tỷ đồng, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mang về 600 tỷ đồng. Năm 2020 là bước đầu để VPBank tiếp tục đa dạng hóa khách hàng, tiếp tục tối ưu hóa chi phí, đưa tỷ lệ chi phí/doanh thu về mức thấp nhất trên thị trường dưới 30%.
Trong cơ cấu doanh thu hợp nhất, ngân hàng mẹ mang về 21.000 tỷ đồng, FE Credit mang về hơn 18.000 tỷ đồng, đưa VPBank dẫn đầu về doanh thu. Ngân hàng tiếp tục định hướng mô hình kinh doanh đa dạng phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp, doanh nghiệp và đại chúng, từng bước củng cố lợi nhuận bền vững của ngân hàng.
Ông Vinh cũng cho biết tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) năm 2020 tăng từ 13% lên 15%. Hết quý I, con số này là 17% và đặt mục tiêu đạt 18-20% trong năm nay. Bước đi này nhằm tận dụng nguồn vốn giá rẻ, tối ưu chi phí.
Phiên họp cổ đông thường niên 2021 của VPBank. Ảnh: L.H.
Tại đại hội, HĐQT bổ sung tờ trình giao cho HĐQT một số nhiệm vụ gồm phương án chuyển nhượng 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do Sumimoto Mitsui (SMFG, Tập đoàn SMBC) sở hữu 100% vốn và 1% vốn cho Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Cổ đông cũng sẽ xem xét thông qua về mặt chủ trương và ủy quyền, phân công, giao nhiệm vụ cho HĐQT thực hiện một số nhiệm vụ như thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các phương án thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết khác để thực hiện các ngành nghề kinh doanh được phép theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan; hoặc các cơ hội liên kết, hợp tác hoặc các hình thức khác với các tổ chức tín dụng khác...có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của ngân hàng. HĐQT cũng sẽ được quyền thông qua phương án bán vốn đầu tư (phần vốn góp, cổ phần) của VPBank tại các công ty con như tỷ lệ bán, giá mua bán phần vốn góp, đối tác mua bán... HĐQT cũng được ủy quyền phát hành trái phiếu và niêm yết trái phiếu trên thị trường quốc tế nếu điều kiện thuận lợi.
Vừa qua, VPBank công bố sẽ bán 49% vốn FE Credit cho Sumitomo Mitsui với mức định giá 2,8 tỷ USD. Ước tính, tập đoàn Nhật Bản sẽ cần chi gần 1,4 tỷ USD cho thương vụ này. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của một ngân hàng Nhật Bản vào một tổ chức tài chính Việt Nam.
Tại đại hội, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông phương án tái phát hành/bán cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên VPBank năm 2021. VPBank có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ và đề xuất sử dụng để phát hành cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP và cho các nhà đầu tư mới vào thời điểm thích hợp.
Riêng với phát hành cổ phiếu ESOP, HĐQT đề xuất phương án bán 15 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm, giải tỏa từng phần 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III.