Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong 3 tháng đầu năm đạt gần 60 tỷ kWh, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong quý I ước đạt gần 51 tỷ kWh, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý I, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, các cơ sở y tế, khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận. Sản lượng điện thương phẩm ước đạt trên 50,8 tỷ kWh.
EVN cho biết, lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thủy điện huy động 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2020; nhiệt điện khí huy động 7,44 tỷ kWh, giảm 21,4% và nhiệt điện than huy động 29,75 tỷ kWh, giảm 12,4 % so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, mặc dù bắt buộc phải tiết giảm nguồn phát năng lượng tái tạo (NLTTT) để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống nhưng nguồn NLTT vẫn huy động tới 7,79 tỷ kWh, tăng 80,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó điện mặt trời huy động 7,13 tỷ kWh.
Theo EVN, trong quý I, điện sản xuất của Tập đoàn và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 29,22 tỷ kWh, chiếm gần 49% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 16,89 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 28,3%.
Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong quý I ước đạt 50,81 tỷ kWh, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
EVN cho biết trong quý I, Tập đoàn gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt. Các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi NLTT, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô. Cùng với đó là việc tăng số lần khởi động,thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy... Do đó, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn NLTT với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây.
Việc tiết giảm khả năng phát các nguồn NLTT trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cung cấp điện. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, công tác điều hành cung ứng điện đã bám sát nhu cầu điện của cả nước và tại các khu vực, đảm bảo huy động các loại nguồn điện phù hợp với tình hình thuỷ văn, đồng thời đảm bảo cấp nước hạ du và sản xuất nông nghiệp.
EVN đã phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi tiến hành 3 đợt xả nước, cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2020-2021 cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Tính chung cả 3 đợt xả nước, các hồ thủy điện của EVN đã xả 5,14 tỷ m3.So với kế hoạch ban đầu, tổng lượng nước xả tiết kiệm được khoảng 0,5-0,7 tỷ m3.Tổng lượng nước xả năm nay dù đã giảm so với kế hoạch, nhưng vẫn cao hơn 2,46 tỷ m3 so với năm 2020, cao hơn 0,72 tỷ m3 so với năm 2019.
Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ năm 2020, EVN đã triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. Trong 3 tháng đầu năm 2021, các chỉ số bảo đảm cung cấp điện tiếp tục được cải thiện.Theo đó, chỉ số SAIDI (thời gian mất điện kéo dài trung bình của khách hàng) là 262,7 phút, giảm 43,9%% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số SAIFI (tần suất mất điện kéo dài trung bình) là 2,02 lần, giảm 28,87% so cùng kỳ. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 67,52% và tỷ lệ số tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt gần 90%.