Ông Trần Tuấn Dương đăng ký chuyển nhượng 12 triệu cổ phiếu HPG, giá thị trường 756 tỷ đồng.
3 con của ông Dương đăng ký mua lại mỗi người 4 triệu cổ phiếu HPG trong cùng thời gian.
Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) thông báo đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu từ ngày 13/5 đến 11/6. Nếu giao dịch thành công, ông Dương sẽ giảm sở hữu cổ phiếu
HPG từ 88,6 triệu đơn vị xuống 76,6 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ nắm giữ giảm từ 2,68% xuống 2,31%.
Ngược lại, 3 con của vị Phó Chủ tịch Hòa Phát gồm Trần Gia Bảo, Trần Bảo Ngọc, Trần Ngọc Diệp đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu
HPG trong cùng khoảng thời gian. Trần Gia Bảo và Trần Ngọc Diệp trước đó không sở hữu cổ phiếu
HPG nào trong khi Trần Bảo Ngọc nắm giữ 10.000 cổ phiếu.
Các giao dịch trên được ghi thực hiện bằng cả khớp lệnh và thỏa thuận.
Cổ phiếu
HPG trong vòng 3 tháng qua tăng giá mạnh từ vùng 42.000 đồng/cp lên 63.000 đồng/cp, tức tăng 50%. Tạm tính theo vùng giá hiện nay, ông Dương tiến hành chuyển nhượng lượng cổ phiếu có giá trị khoảng 756 tỷ đồng.
Nguồn: VNDirect
Đà tăng của cổ phiếu Hòa Phát được ủng hộ bởi kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp trong quý I. Cụ thể, doanh thu doanh nghiệp đạt 31.177 tỷ đồng, tăng 62%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 6.978 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Đến tháng 4, tình hình tiêu thụ của tập đoàn tiếp tục tốt khi sản lượng bán hàng đạt 869.000 tấn sản phẩm thép các loại, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước và giảm 13,1% so với tháng trước. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 428.000 tấn, tăng hơn 59% so với cùng kỳ, giảm 11% so với tháng trước; thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 212.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng trước; phôi thép xuất khẩu đạt 121.000 tấn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), quặng sắt cùng tăng mạnh. Theo dự báo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá thép có thể tăng đến hết quý III do nhu cầu tăng cao ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU…
Mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo không áp dụng chính sách giảm VAT 13% với 146 sản phẩm thép xuất khẩu, trong đó có thép cuộn cán nóng, thép cuộn và thép thanh, hiệu lực từ 1/5. Cùng với đó, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu với gang, thép thô và thép tái chế xuống 0%. Hành động này cho thấy Trung Quốc đang muốn cắt giảm sản lượng thép thông qua không khuyến khích xuất khẩu thép và mở cửa cho sản phẩm thép nhập khẩu.