CPI tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào đều tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng theo.
CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ 2016.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng, trong đó, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng.
5 tháng đầu năm, bình quân CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2016.
CPI bình quân 5 tháng tăng gần 1,2%, mức thấp nhất kể từ 2016. Ảnh: Zing.
Trong mức tăng 0,16% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, 0,76%, làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm, do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu (27/4 và 12/5) làm chỉ số giá xăng tăng 2,12%, dầu diesel tăng 2,8%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4%, làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào. Bên cạnh đó, chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng.
Trong khi đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,23% do giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,7%. Chỉ số giá nhóm cây, hoa cảnh giảm hơn 2% do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%.