Chốt phiên 18/6, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm sâu.
Chỉ số CBOE VIX, thước đo sự sợ hãi trên Phố Wall, chốt phiên 18/6 cao nhất 4 tuần.
Dow Jones giảm 533,37 điểm, tương đương 1,58%, xuống 33.290,08 điểm.
S&P 500 giảm 55,41 điểm, tương đương 1,31%, xuống 4.166,5 điểm.
Nasdaq giảm 130,97 điểm, tương đương 0,92%, xuống 14.030,39 điểm.
Chốt tuần, Dow Jones giảm 3,5%, tuần giảm thứ hai liên tiếp và giảm mạnh nhất kể từ ngày 30/10/2020. Nasdaq giảm 0,3%, kết thúc chuỗi tăng liên tiếp 4 tuần. S&P 500 giảm 1,9%, kết thúc chuỗi tăng liên tiếp 3 tuần.
Sự tự tin của nhà đầu tư vào vị thế bị ảnh hưởng sau khi Fed họp chính sách hai ngày 15 – 16/6. Fed có thể tăng lãi suất sớm hơn dự báo trước đó và phát tín hiệu đã đến lúc thảo luận về việc giảm dần quy mô chương trình nới lỏng định lượng.
James Bullard, chủ tịch Fed St. Louis, ngày 18/6 nói ông nằm trong số 7 quan chức nhận định cần tăng lãi suất từ năm 2022 để kiểm soát lạm phát.
Lạm phát, và cách ngân hàng trung ương Mỹ ứng phó lạm phát khi nền kinh tế thoát khỏi đại dịch, là tiêu điểm trong tâm trí nhà đầu tư trước khi Fed họp.
“Tôi không bất ngờ khi thị trường bán tháo một chút. Tôi chưa bao giờ bất ngờ, bởi thị trường đã tăng mạnh suốt thời gian dài, khi thấy có giai đoạn chốt lời”, Tom Ghriskey, giám đốc chiến lược đầu tư tại Inverness Counsel, New York, nói.
Chỉ số CBOE VIX, thước đo sự sợ hãi trên Phố Wall, chốt phiên 18/6 cao nhất 4 tuần.
“Tuần tới, nhiều thống đốc Fed sẽ phát biểu. Và chúng ta sẽ có điều tương tự. Một số thống đốc quan điểm thắt chặt hơn, một số nới lỏng hơn nên thị trường có thể biến động qua lại”, Ghriskey bổ sung.
18/6 còn là “ngày ma thuật gấp 4” khi hợp đồng quyền chọn và tương lai hàng quý của Mỹ đáo hạn đồng thời. Đây là ngày có khối lượng quyền chọn đáo hạn lớn nhất lịch sử, theo Randy Frederick, phó chủ tịch giao dịch và phái sinh tại Charles Schwab.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 18/6 là 14,97 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với trung bình 10,96 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.