Doanh nghiệp cho biết dễ dàng tiếp cận chính sách giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52 hơn so với việc vay vốn, lãi suất không đồng hay chính sách bảo hiểm. Bản chất của Nghị định 52 là không miễn, không cắt thuế, mà là tạm lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ, chính sách. Phó Viện trưởng CIEM đã chỉ ra 3 lo ngại được doanh nghiệp chỉ ra liên quan đến Nghị định 52/2021.
Nghị định 52/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của Chính phủ đã được ban hành vào 19/4.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng.
Đánh giá về ý nghĩa của Nghị định đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng nghị định giúp doanh nghiệp có một nguồn lực tài chính để cầm cự, duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu khi dịch bệnh qua đi, họ có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh và trang trải.
Ông Hiếu dẫn thông tin kết quả điều tra của VCCI về tác động chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng được công bố vào tháng 3 vừa qua, cho thấy doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất hơn so với việc vay vốn, lãi suất không đồng hay chính sách bảo hiểm.
Đa số doanh nghiệp còn cho rằng chính sách giãn, hoãn có ích đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. “Nó phản ánh đúng tính chất, ý nghĩa như tôi vừa phân tích, tạo ra cơ cấu dòng tiền, tạo thêm năng lực cho doanh nghiệp trong việc cầm cự, trong thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng chia sẻ rằng bản chất của Nghị định 52 là không miễn, không cắt thuế, mà là tạm lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ, chính sách. Doanh nghiệp phải thực sự ý thức rất rõ điều này. Nếu không, doanh nghiệp sẽ tính toán sai trong chiến lược kinh doanh. Tạm thời lùi việc nộp nghĩa vụ về tài chính, lùi lại thời hạn, có nghĩa là nghĩa vụ tài chính này không phải nộp trong thời điểm hiện nay nhưng sau đó phải nộp đầy đủ, cho nên đây không phải là biện pháp miễn.
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần một luồng tiền mặt để trang trải những chi phí trong việc cầm cự hoặc hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, nhưng doanh nghiệp lo là sau khi thời hạn giãn, hoãn đã hết, phải nộp nghĩa vụ về tài chính thì gánh nặng tài chính bị cộng dồn. Có nghĩa cuối năm họ phải hoàn thành một lúc rất nhiều nghĩa vụ tài chính.
“Chúng ta tin tưởng dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng giả sử một kịch bản xấu nhất là dịch Covid-19 vẫn tiếp tục, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thì khó khăn của họ sẽ tăng lên rất nhiều lần. Vì thế rất nhiều doanh nghiệp rất ngần ngại khi đưa ra quyết định có nên thụ hưởng chính sách này hay không”, ông Hiếu chia sẻ.
Mặt khác, Nghị định 52 tạm hoãn 4 chính sách là thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình và tiền thuê đất, theo ông Hiếu sẽ nảy sinh những vấn đề mới trong quá trình thực thi.
Trước tiên, về tiền thuê đất, rất nhiều doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm, đối tượng được thụ hưởng nội dung này cũng giảm đi một chút. Tiếp nữa, chỉ giao dịch thương mại mới phát sinh VAT. Khi kinh doanh bị đình trệ, thậm chí không phát sinh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp không phát sinh nghĩa vụ thuế.
Cuối cùng, theo ông Hiếu điều khiến doanh nghiệp lo ngại nhất là khi thực hiện thủ tục hành chính, trong nguyên tắc doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực chính sách.
“Cơ quan thuế có một thủ tục theo tôi không thực sự rõ, nên doanh nghiệp rất nghi ngại. Đó là sự chấp nhận đề nghị gia hạn. Nhưng chấp nhận đề nghị gia hạn đấy nhưng giả sử sau này hậu kiểm, doanh nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn hoặc bị sai về những vấn đề liên quan đến thuế, theo nguyên tắc doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, nếu sai lại bị thanh tra và bị truy thu thuế”, ông Hiếu cho biết.
Nghị định 52 theo ông Hiếu có tiến bộ hơn so với trước đây nhưng lại chưa có được điều khoản nào thực sự rõ ràng để giảm được rủi ro pháp lý cho những thủ tục đó. Đây là 3 quan ngại mà cộng đồng doanh nghiệp chỉ ra liên quan đến Nghị định 52.
Theo đó, ông Hiếu kiến nghị cơ quan thuế phải suy nghĩ đến kịch bản xấu nhất đó là dịch vẫn còn tiếp diễn phức tạp và tác động đến cộng đồng doanh nghiệp từ nay đến cuối năm. Khi ấy những nghĩa vụ thuế cũng cộng dồn, doanh nghiệp không nộp đủ thì những rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt có thể tăng gấp đôi.
“Ngay bây giờ phải nghĩ đến biện pháp, nếu như tác động của dịch Covid-19 còn kéo dài, thì việc tiếp tục thực hiện Nghị định 52 hay những khoản thuế đã được gia hạn, có nên đặt vấn đề tiếp tục gia hạn hay không?”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, việc những quy định được hướng dẫn một cách rõ ràng giúp doanh nghiệp có phương hướng và sẵn sàng tiếp nhận chính sách và xây dựng chiến lược kinh doanh một năm tới.