Năm 2021, Gemadept lên kế hoạch tăng trưởng theo hai kịch bản, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 630 tỷ đồng.
Công ty đặt mục tiêu gia tăng thị phần cảng trên cả nước gấp đôi từ 11% năm 2020 lên 23% năm 2025.
Cảng Gemalink hoàn thành trong quý I, kỳ vọng sẽ có lợi nhuận trong năm nay.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Gemadept (HoSE:
GMD) diễn ra sáng nay 30/6 theo hình thức trực tiếp tại văn phòng công ty và tuân theo quy định giãn cách.
Ảnh: Ngọc Nhi
Gemalink dự kiến có lãi ngay trong năm nay
Tại đại hội, ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT cho hay mặc dù trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, nhân công khan hiếm và giá vật tư xây dựng tăng nhưng cảng nước sâu Gemalink vẫn hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Gemalink chính thức đi vào hoạt động với chuyến tàu thương mại đầu tiên vào tháng 1.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc, vừa trúng cử thành viên HĐQT
GMD nhiệm kỳ 2018-2023, trong quý I, sản lượng tại Gemalink ước đạt hơn 100.000 teus. Ước trong 6 tháng đầu năm, sản lượng Gemalink tiếp tục tăng, ước đạt 300.000-320.000 teus. Dự kiến cả năm sản lượng tại Gemalink có thể đạt 900.000-1.100.000 teus.
“Sở dĩ có sự chênh lệch biên độ rộng là do trong 6 tháng đầu năm xảy ra nhiều sự cố như nghẽn kênh đào Suez, tình trạng thiếu container khiến hoạt động các hãng tàu xáo trộn. Nhiều hãng tàu không duy trì được số tàu theo kế hoạch. Tính đến hiện tại cảng đã hoạt động 90% công suất, dự kiến đạt 100% từ quý III”, ông Bình nói với cổ đông.
Cũng theo lãnh đạo
GMD, với sản lượng 900.000 teus, doanh thu tối thiểu có thể đạt của Gemalink trong năm nay là 41 triệu USD. Khả năng cảng sẽ có lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên hoạt động, tối thiểu là 1 triệu USD. Khách hàng chính của Gemalink là CMA-CGM và một số hãng tàu lớn trên thế giới.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 tối thiểu 630 tỷ đồng, 6 tháng đạt 388 tỷ đồng
Ông Đỗ Văn Nhân đánh giá năm 2021 là năm quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển giai đoạn 5 năm 2021-2025. Những năm trước công ty tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho mục tiêu phát triển bền vững nên kế hoạch kinh doanh đưa ra ở mức trung bình. Tuy nhiên trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, doanh nghiệp tăng trưởng mỗi năm hai con số. Dự kiến đến năm 2025, lợi nhuận gấp 3 lần so với năm 2020.
“Đây là chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều so với doanh nghiệp khác trong ngành, cao hơn mức tăng trưởng trung bình ngành 3-6%/năm”, ông Nhân nói.
Cụ thể, năm 2021, với dự báo nền kinh tế thế giới khởi sắc hơn, GDP của Việt Nam ước tăng trưởng trên 6%, kế hoạch kinh doanh năm 2021 với hai kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản lạc quan,
GMD dự kiến doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 7% và 37%. Ở kịch bản trung bình, công ty dự kiến doanh thu tăng 4% đạt 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, tăng 23%.
Tại đại hội, bà Bùi Thị Thu Hương, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính cho biết 6 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 19% và thực hiện 51% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 388 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ và thực hiện 55% kế hoạch lạc quan.
Ảnh: Ngọc Nhi
Mục tiêu thị phần tăng hơn gấp đôi tính đến 2025
Theo ông Bình, kế hoạch năm 2021 tăng trưởng mạnh đến từ động lực chính là khối khai thác cảng. Công ty đặt mục tiêu tăng thị phần khai thác cảng từ 11% năm 2020 lên 19% năm 2021 và đạt 23% vào năm 2025.
Tại khu vực phía Bắc, sản lượng phục vụ dự kiến đạt 500.000 teus, tăng 18% so với năm 2020. Sản lượng này tăng từ nửa quý II trở đi sau khi công ty tập trung công tác quản trị nhằm đưa khối cảng tại Hải Phòng vào tốp đầu khu vực. Dự kiến sản lượng 6 tháng cuối năm sẽ tăng mạnh từ những hợp đồng đã ghi nhận. Bên cạnh khai thác, công ty cũng đầu tư cho giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ. Ban lãnh đạo
GMD khẳng định việc đầu tư Nam Đình Vũ thời điểm này là cần thiết và khả thi.
Về nguồn hàng, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 sẽ được khai thác gần như tối đa từ quý II và quý III năm nay, do đó, việc bắt tay cho giai đoạn 2 nhằm đón đầu cho tăng trưởng. Cụm cảng Hải Phòng có 16 cảng với chiều dài 6,1 km, khu vực thượng lưu từ cầu Bạch Đằng gồm 8 cảng chiếm 25% thị phần khai thác, khu vực hạ lưu gồm 7 cảng chiếm 62% thị phần (bao gồm Nam Đình Vũ) và 13% còn lại là cảng Lạch Huyện. Tuy nhiên, các cảng khá manh mún và phân mảng, theo đó các cảng khu vực hạ lưu, càng gần cửa sông chiếm tỷ trọng hàng hoá nhiều hơn trong khi các cảng khu vực thượng lưu đang dần chuyển đổi công năng, không còn phù hợp với hàng container.
Với lợi thế có cầu tàu dài nhất khu vực, Nam Đình Vũ có thể đón nhiều tàu cùng lúc và đón tàu có trọng tải lớn hơn.
Tại khu vực phía Nam, trọng tâm đang là dự án cảng nước sâu Gemalink. Ngoài khái thác kinh doanh, HĐQT Gemadept dự kiến sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới cho Gemalink, ưu tiên có thể hỗ trợ Gemalink thêm nguồn hàng mới. Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết Gemalink hiện có nhiều đối tác muốn hợp tác. Một mặt là đầu tư vào Gemalink với tiềm năng của cảng, ngoài ra họ cũng có muốn có “homeport” để thu xếp cầu cảng cho hàng hoá của họ.
Về kế hoạch đầu tư, Tổng giám đốc
GMD cho biết trong năm 2021 doanh nghiệp dự kiến sẽ triển khai dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và đưa vào hoạt động vào năm 2022, quy mô 22-44 ha với 440-1.100 cầu bến, 600.00-1.200.000 teus. Vốn đầu tư dự kiến 2.000-4.500 tỷ đồng.
Tại Gemalink, công ty sẽ triển khai giai đoạn 2 theo phương án hợp tác với đối tác. Dự án có quy mô 39 ha, 350 m cầu bến, 900.000 teus, vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng.
Ngoài ra công ty dự kiến đầu tư dự án mới là hệ thống trung tâm logistics và ICD phía Nam quy mô 10 ha với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Đây là dự án nhằm gia tăng kết nối, dịch vụ của cảng nước sâu Gemalink.
Về nguồn vốn, đại diện Gemadept cho biết sẽ có phương án huy động vốn linh hoạt và cởi mở. “Công ty có tín nhiệm cao với các ngân hàng, chưa có tình trạng nợ xấu. Chỉ riêng dự án Gemalink với vốn đầu tư 220 triệu USD đã thu xếp với các ngân hàng hợp vốn trong đó dẫn đầu là Vietcombank. Với một số dự án khác, Gemadept xem xét tìm đối tác chiến lược, gia tăng nguồn hàng, đảm bảo hiệu quả chi phí sử dụng vốn, hợp tác với điều kiện tốt nhất, còn không thì xem xét vay ngân hàng hoặc trái phiếu với chi phí vay tối ưu nhất”, Giám đốc tài chính cho hay.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, đại hội đã thông qua chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động ESPP trong 5 năm nhằm đảm bảo mục tiêu tăng gấp 3 lần lợi nhuận vào năm 2025. Việc phát hành với điều kiện kết quả kinh doanh mỗi năm vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Tỷ lệ phát hành 1,2%-1,5% tùy vào kết quả tăng trưởng thực tế.
Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên HDDQT nhiệm kỳ 2018-2023 đối với ông Đỗ Văn Minh, bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Bình làm thành viên HĐQT, hiện đang nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty. Trước đó, vào tháng 5 năm nay, ông Minh vừa thôi giữ chức CEO sau hơn 14 năm điều hành công ty khai thác cảng này.
Đại hội thông qua tất cả nội dung HĐQT trình bao gồm mức chia cổ tức của năm 2020 tỷ lệ 12% bằng tiền.