Hoạt động sản xuất vẫn diễn ra nhưng hàng hóa hạn chế lưu thông vì Covid-19. Thời gian chờ ra khơi của các tàu dài hơn do gián đoạn liên quan đến cảng Yantain của Trung Quốc.
Theo thống kê trên The Load Star, vận tải container 6 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 12,4 triệu teu (1 container dài 20 feet tương đương với 1 teu). Đặc biệt, hàng container xuất khẩu ước đạt gần 4 triệu teu, tăng 17%.
Trên thực tế, hoạt động hậu cần và kho bãi toàn thế giới đã chịu ảnh hưởng lớn vì Covid-19 và sẽ còn nhiều gián đoạn khi số lượng ca nhiễm ngày càng tăng. "Ngay cả khi chỉ có một phần cảng bị đóng cửa, tác động của quá trình này cũng mang lại hậu quả nặng nề cho xuất khẩu hàng hoá", ông Julien Brun đến từ CEL, công ty chuyên tư vấn về logistics và hậu cần tại TP HCM, cho hay.
Đối mặt với Covid-19, khó khăn của logistics ở Việt Nam không phải trường hợp cá biệt. Đây giống như mẫu số chung của toàn ngành trên thế giới, vì thế, những “lợi thế, hình ảnh và sức hấp dẫn” của điểm cung ứng hàng hóa mà Việt Nam xây dựng được sẽ không dễ dàng mất đi vào lúc này, bất chấp Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng khan hiếm container và bị động về giá cước tàu thuỷ.
Benoit Klein, Giám đốc điều hành của Cảng Quốc tế Gemalink tại cảng Cái Mép, cho biết lượng container tại các cảng nước sâu đã tăng 30% trong năm nay.
“Thời gian chờ ra khơi của các tàu dài hơn do gián đoạn liên quan đến cảng Yantain của Trung Quốc. Cảng này thường cùng tuyến với Cái Mép trong hành trình đưa hàng hóa tới Mỹ, nên số lượng tàu phụ tải từ các tuyến đến Cái Mép sẽ gia tăng đáng kể nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ khi hoạt động sản xuất phục hồi", ông Kein nhận định thêm.
Tom Tabouring, Trưởng bộ phận Kinh doanh và Tiếp thị của Công ty Tín Nghĩa Logistics, cho hay dù đang ở giữa những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phần lớn nhà máy ở khu vực phía Nam vẫn duy trì hoạt động. Nhưng khó khăn vì giãn cách xã hội chặt chẽ làm gián đoạn quá trình lưu chuyển hàng hoá, cộng thêm cước vận tải cao và thiếu container sớm hay muộn cũng sẽ khiến các kho chứa chất đầy hàng và ngày càng khan hiếm.
“Sản xuất nhưng không lưu thông được sẽ buộc các nhà máy phải tính đến giảm công suất. Do đó, cuộc đua tiêm chủng và khả năng ngăn chặn các làn sóng dịch bệnh tiềm tàng giờ đây sẽ là điểm mấu chốt quyết định đến chuỗi cung ứng và sự phát triển công nghiệp của Việt Nam trong những năm tới”, ông Burn nhận định.