Việt Nam nhập siêu 1 tỷ USD trong tháng 6 và nhập siêu 1,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
Đại diện CIEM cho rằng chưa vội lo vì điều này bởi việc nhập khẩu tăng xuất hiện chủ yếu ở những nhóm hàng phục vụ chu kỳ sản xuất của doanh nghiệp.
TS Võ Trí Thành cho rằng cần phải phân tích, đánh giá kỹ, làm rõ việc nhập khẩu tăng mạnh mặt hàng ôtô và hạt điều trong bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm.
Báo cáo tình hình công nghiệp & thương mại 6 tháng đầu năm vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp Việt Nam nhập siêu sau một thời gian dài xuất siêu.
Cán cân thương mại thâm hụt do chu kỳ sản xuất nhưng vẫn cần thận trọng. Ảnh: Lao Động.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 15 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.
Bình luận về nội dung này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng việc nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu chưa đáng lo. Bởi theo ông Dương, nhập khẩu tăng nhanh phục hồi chủ yếu ở khu vực FDI, họ tăng mua nguyên, vật liệu đầu vào để phục vụ cho chu kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhìn từ số liệu của Tổng cục Hải quan công bố mới đây cũng cho thấy việc nhập khẩu tăng ghi nhận chủ yếu ở các mặt hàng như máy móc, linh kiện, thiết bị điện tử, máy tính... thiết bị đầu vào trong những ngành có thể phục hồi trong thời gian tới. Đơn cử như điện thoại thông minh, nhiều tập đoàn lớn như Apple, Samsung, LG, Sony đều đánh cược vào tháng 6 tháng cuối năm, đặc biệt quý IV - thời điểm tiêu thụ những mặt hàng vừa nêu đột biến.
“Việc tăng nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất để phục vụ cho hoạt động tiêu thụ cuối năm nằm trong kế hoạch kinh doanh của họ. Vì vậy, nhìn ở góc độ này, thâm hụt thương mại chỉ mang tính tạm thời. Cán cân thương mại sẽ được bù đắp vào những tháng cuối năm do xuất khẩu những sản phẩm vừa nêu. Khi ấy, cán cân thương mại cũng sẽ đảo chiều", ông Dương lý giải.
Trước đó, liên quan đến nội dung này, ngành Công Thương cũng lý giải theo chu kỳ, nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm, trong khi đó xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Ngành Công Thương cũng dự báo nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản,... Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết dù 6 tháng đầu năm Việt Nam có nhập siêu nhưng bản chất của hoạt động thương mại vẫn không thay đổi. Bởi Việt Nam vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Những yếu tố về giá hay việc tăng nhập khẩu nguyên liệu có tính chất tạm thời ở một giai đoạn nhất định. Qua thời điểm này, chúng ta sẽ duy trì được cân bằng cán cân thương mại và có thể xuất siêu trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt hàng máy móc thiết bị, thiết bị như đã nêu, ôtô cũng là mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng đột biến, với sản lượng tăng hơn 92%, đạt 78.000 chiếc và tăng gần 95% về giá trị, đạt 1,79 tỷ USD. Đây cũng là một trong 10 mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất trong nửa đầu năm nay. Đáng nói, nếu tính theo khu vực kinh tế, doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 15 tỷ USD, trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) lại xuất siêu 13,54 tỷ USD tỷ USD. Nghĩa là việc xuất siêu đang phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI và chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế có thể sẽ quay lại tình trạng nhập siêu.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng việc nhập khẩu ôtô tăng đột biến hay việc nhập khẩu hạt điều - vốn là 1 trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cần phải được phân tích, mổ sẻ một cách thận trọng hơn dù việc xuất siêu được lý giải do chu kỳ sản xuất.
Đồng tình, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho rằng nếu không có biện pháp hạn chế nhập siêu, nhất là nhập siêu dịch vụ sẽ gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Giá nhập khẩu những mặt hàng phục vụ sản xuất tăng so với cùng kỳ như linh kiện máy tính, sắt thép vừa làm tăng kim ngạch nhập khẩu vừa gây bất lợi cho hoạt động sản xuất. Do đó, Việt Nam vẫn cần kiên định chiến lược chủ động nguyên vật liệu đầu vào để khi có biến động về giá cả trên thị trường thế giới sẽ không bị tác động mạnh.