Nhiều cổ phiếu đang có P/E khá cao, thậm chí “đắt” hơn nhiều so với trung bình ngành tuy nhiên nhà đầu tư vẫn lầm tưởng là “rẻ” chỉ vì thị giá vẫn chưa về lại mức trước chia.
Thị giá diều chỉnh sau phát hành, chia tách không đồng nghĩa với việc cổ phiếu rẻ hơn
Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ cùng giao dịch sôi động chưa từng có đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiến hành tăng vốn thông qua các hình thức như chia cổ tức cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ,...
Nhằm đảm bảo tiêu chí vốn hóa không thay đổi sau chia tách, phát hành, cổ phiếu sẽ phải điều chỉnh thị giá tương ứng. Điều này vô tình khiến không ít nhà đầu tư tưởng rằng cổ phiếu đã “rẻ” hơn tuy nhiên thực tế có phải như vậy?
Nếu xét về mặt thị giá, rõ ràng giá cổ phiếu đã thấp hơn vì cùng một số tiền nhà đầu tư có thể mua được khối lượng nhiều hơn so với trước khi giá điều chỉnh. Thị trường thời gian qua cũng chứng kiến không ít trường hợp lực cầu gia tăng mạnh vào các cổ phiếu sau chia khi thị giá trở nên “hợp túi tiền” hơn. Trên thực tế, nhà đầu tư đang tham gia vào cổ phiếu ngay tại vùng đỉnh.
Về mặt định giá, việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ khiến lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên dẫn đến lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm theo tỷ lệ tương ứng. Do đó, khi thị giá điều chỉnh, P/E của cổ phiếu sẽ không thay đổi.
Thực tế có nhiều cổ phiếu đang có mức định P/E khá cao, thậm chí “đắt” hơn nhiều so với trung bình ngành tuy nhiên nhà đầu tư vẫn lầm tưởng là “rẻ” chỉ vì thị giá vẫn chưa về lại mức trước chia. Vậy khi nào cổ phiếu thực sự “rẻ” hơn?
Yếu tố quan trọng quyết định đến định giá (P/E) cổ phiếu là lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận tăng sẽ giúp cải thiện EPS, dẫn đến P/E giảm và cổ phiếu sẽ “rẻ” hơn hoặc ít nhất không “đắt” thêm khi thị giá tăng.
Thêm nữa, tăng trưởng lợi nhuận nếu bắt kịp với tốc độ tăng vốn sẽ giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro pha loãng sau mỗi đợt phát hành, chia tách. Điều này lý giải vì sao các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn vẫn thường nổi sóng cùng các đợt phát hành, chia cổ tức.
Nhìn chung, nhu cầu huy động vốn phục vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Nhà đầu tư cần đánh giá kỹ mục đích, phương án sử dụng vốn từ đợt phát hành, khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp để tránh mua “đắt” cổ phiếu.