Doanh nghiệp lỗ 3,7 tỷ đồng trong tháng 7, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động.
Công ty chỉ duy trì hoạt động 15-20% so với bình thường trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8.
Sản lượng và doanh thu tháng 8 tiếp tục giảm sâu so cùng kỳ năm trước và so kế hoạch tháng.
Tại buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích chiều ngày 16/8, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (HoSE:
BMP) thông tin, sản lượng bán hàng trong tháng 7 đạt 5.213 tấn, giảm 44%; doanh thu 244 tỷ đồng, giảm gần 39% so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu tháng 7, tình hình dịch bệnh Covid-19 tương đối ổn định nên hoạt động sản xuất của đơn vị duy trì mức bình thường. Song, nửa sau tháng 7 hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng trước các biện pháp giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Sản phẩm của doanh nghiệp không được đưa vào diện thiết yếu và chỉ được phục vụ một số công trình đặc thù như bệnh viện dã chiến. Đồng thời, với giá nguyên liệu đầu vào cao đã nhập trước đó, doanh nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 3,7 tỷ đồng tháng 7.
Nửa đầu năm, doanh thu đạt 2.606 tỷ đồng, tăng 14,5% cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 126 tỷ đồng, giảm 51% và thực hiện 24% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp giảm sâu từ 26,4% về 15%.
Lũy kế 7 tháng, BPM thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu cả năm và 53% kế hoạch sản xuất. Ông Ngân cho rằng đây vẫn là kết quả tương đối tốt so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, đơn vị mới thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm do giá nguyên liệu tăng cao. Giá hạt nhựa PVC tăng rất mạnh trong nửa đầu năm và đạt đỉnh vào tháng 5 với 1.600 USD/tấn, trong khi mức bình quân 2020 ở khoảng 900-1.000 USD/tấn.
Nhựa Bình Minh đã tăng giá bán khoảng 14% trong 6 tháng đầu năm. Trong điều kiện hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì giá bán để thúc đẩy sản lượng trong thời gian còn lại của năm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu có xu hướng giảm từ tháng 5 đến nay, mức giảm khoảng 20% có thể giúp biên lợi nhuận đơn vị được cải thiện. Giá nguyên liệu nhựa được dự báo tăng trở lại từ tháng 9 dù không cao như đầu năm.
Lãnh đạo Nhựa Bình Minh chia sẻ tình hình còn nghiêm trọng hơn trong tháng 8 khi sản lượng tiêu thụ ước khoảng 1.400 tấn, doanh thu khoảng 70-75 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và rất thấp so với mức kế hoạch 400-500 tỷ đồng mỗi tháng.
Lãnh đạo BMP cho biết chỉ duy trì hoạt động ở mức 15-20% so với bình thường. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
Đợt dịch bùng phát lần này khiến toàn bộ hoạt động của công ty chỉ duy trì ở mức 15-20% so với bình thường trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Về hoạt động sản xuất, công ty không duy trì mô hình 3 tại chỗ ở nhà máy Sài Gòn do điều kiện không gian và nhà máy chỉ còn 5% lực lượng lao động làm việc, lượng hàng tồn kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Nhà máy ở Bình Dương duy trì khoảng 80% lao động làm việc, chủ yếu cho khu vực bán hàng và chỉ sản xuất một số mặt hàng cần thiết. Ở Long An, doanh nghiệp có hơn 150 lao động và vẫn duy trì làm việc bình thường theo mô hình 3 tại chỗ. Tính chung toàn doanh nghiệp, lực lượng lao động còn làm việc chiếm khoảng 20%.
Với diễn biến dịch còn phức tạp thì tình hình sản xuất kinh doanh sẽ còn bị ảnh hưởng đến nửa đầu tháng 9. CEO đánh giá tháng 9 có thể phục hồi 50% sản lượng tiêu thụ và sản xuất đã là kết quả rất tốt. Theo đó, doanh nghiệp chỉ có thể kỳ vọng vào hoạt động quý IV. Nếu Covid-19 được khống chế thì mảng xây dựng dân dụng sẽ được đẩy mạnh hơn, doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch về hàng tồn kho, năng lực sản xuất để đón đầu nhu cầu phục hồi sau dịch.
Đối với đầu tư công được thúc đẩy, lãnh đạo doanh nghiệp không quá kỳ vọng do nhiều dự án vẫn trong trạng thái chậm trễ và năm nay chỉ tập trung cho giao thông, các sản phẩm của Nhựa Bình Minh không được tiêu thụ nhiều.