Tổ chức trong nước có tháng bán ròng cao nhất kể từ đầu năm 2021 với hơn 6.145 tỷ đồng.
Cá nhân trong nước dù duy trì trạng thái mua ròng trong tháng 7 nhưng giá trị giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh sau 2 tháng bán ròng liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index đứng ở mức 1.310,05 điểm, tương ứng giảm 98,5 điểm (-6,99%) so với cuối tháng 6. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 2,62% xuống 314,85 điểm và UPCoM-Index giảm 3,68% xuống 86,93 điểm.
Thanh khoản trong tháng 7 giảm trở lại, với giá trị khớp lệnh trung bình đạt 22.300 tỷ đồng/phiên, giảm 18,8% so với tháng 6, nhưng mức này vẫn cao hơn 7,2% so với con số 20.800 tỷ đồng của trung bình 6 tháng đầu năm.
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư (khớp lệnh). Đơn vị: Tỷ đồng.
Theo dữ liệu từ FiinPro, trong tháng 7, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giảm đáng kể vai trò nâng đỡ với VN-Index khi chỉ mua ròng hơn 1.400 tỷ đồng ở sàn HoSE, giảm 80% so với tháng 6, đây cũng là tháng nhà đầu tư cá nhân mua ròng thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Dù vậy, nếu tính giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng hơn 2.348 tỷ đồng (giảm 72% so với tháng 6 nhưng vẫn cao hơn tháng 1).
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.
Cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã VIC với giá trị 2.369 tỷ đồng. Các mã VPB, CTG và STB đều được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, MBB là cái tên bị bán ròng mạnh nhất với 815 tỷ đồng. NVL và ACB bị bán ròng lượt 750 tỷ đồng và 648 tỷ đồng.
Trong khi dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân trong nước giảm mua ròng thì khối ngoại lại quay trở lại đóng vài trò trụ đỡ cho VN-Index. Cụ thể, khối ngoại mua ròng trở lại mua ròng trở lại 4.717 tỷ đồng trên HoSE sau khi bán ròng đến hơn 15.600 tỷ đồng ở 2 tháng trước đó, tương ứng khối lượng mua ròng là 126 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng hơn 3.600 tỷ đồng. Đây cũng là tháng thứ 2 trong năm 2021 khối ngoại mua ròng ở sàn HoSE, trước đó, dòng vốn này cũng mua ròng ở tháng 4 nhưng giá trị chỉ vỏn vẹn 71 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.
NVL đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại trong tháng 7 với giá trị lên đến 1.277 tỷ đồng. Các mã như VHM, STB và MBB cũng đều được khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 2.269 tỷ đồng. VPB đứng sau và bị bán ròng 1.080 tỷ đồng. CTG cũng bị bán ròng trên 866 tỷ đồng.
Trái ngược hoàn toàn với nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối ngoại, tổ chức trong nước là đối tượng gây rất nhiều áp lực ở tháng 7 khi bán ròng đến trên 6.145 tỷ đồng, tăng 89% so với tháng 6 và cao nhất kể từ đầu năm 2021. Trong đó, tổ chức (không bao gồm tự doanh) bán ròng 4.918 tỷ đồng còn tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 1.227 tỷ đồng. Tính riêng phương thức khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 5.951 tỷ đồng, trong đó, tự doanh bán ròng 1.645 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.
Tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất mã STB với giá trị 2.473 tỷ đồng. VHM và NVL bị bán ròng lần lượt 948 tỷ đồng và 628 tỷ đồng. Trong khi đó, ACB được dòng vốn này mua ròng mạnh nhất với 647 tỷ đồng. OCB đứng sau và được mua ròng 331 tỷ đồng.