Cổ phiếu SPM tăng 91% sau hai tuần lên 26.400 đồng/cp kết phiên 30/8.
SPM hoàn thành 64% chỉ tiêu doanh thu và 73% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Một cổ phiếu dược khác là VMD của Y Dược phẩm Vimedimex có 16 phiên tăng liên tiếp trong đó 14 phiên trần.
Cổ phiếu
SPM của CTCP S.P.M (HoSE:
SPM) vừa tăng 11 phiên liên tiếp, trong đó 9 phiên tăng trần. Đóng cửa ngày 30/8, thị giá
SPM ở mức 26.400 đồng/cp, tăng 91% sau hai tuần. Thanh khoản bình quân của mã chứng khoán này thấp, khoảng 15.000 đơn vị.
Tiền thân của Công ty S.P.M là Dược phẩm Đô Thành – một nhà phân phối dược phẩm trực thuộc Tendipharco (Công ty Dược Quận 10) được thành lập năm 1988. Năm 2007, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn HoSE từ năm 2010.
Sau 4 lần tăng vốn, giá trị vốn điều lệ tăng từ 20 tỷ lên 140 tỷ đồng như hiện nay. Trong đó, nhóm cổ đông lớn đã nắm giữ 72,68% cổ phần. Riêng Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Hoàng và con trai Đào Hữu Hoàng Vũ sở hữu hơn 57,8% vốn, tương đương gần 8 triệu cổ phiếu. Theo sau là Sacombank với 7,56% cổ phần và Thành viên HĐQT Đỗ Thị Mai nắm 7,26% vốn.
Ngành nghề kinh doanh chính của
SPM là sản xuất và mua bán dược phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; bán buôn máy móc, thiết bị y tế… Trong những năm gần đây, công ty hoàn tất chuyển nhượng dự án không hiệu quả để tập trung phát triển thế mạnh trong ngành dược phẩm, đồng thời phát triển sản phẩm mới (đông dược) và đầu tư thêm dây chuyền thuốc chích dự kiến hoạt động cuối năm 2021.
Năm ngoái, bên cạnh chủ trương cơ cấu danh mục sản phẩm, công ty tiếp tục hoạt động marketing thương hiệu mạnh như MyVita, Eugintol, Mypara… . Kết quả, doanh thu thuần tăng 24% lên gần 610 tỷ đồng; song trước khó khăn bởi dịch bệnh, lợi nhuận sau thuế giảm 8% xuống hơn 8,2 tỷ đồng.
Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu 550 tỷ đồng doanh thu thuần và 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 10% và tăng 46% so với thực hiện năm trước.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt hơn 354 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế của doanh nghiệp hơn 8,7 tỷ đồng, tăng 185%. Với kết quả này, công ty hoàn thành 64% chỉ tiêu doanh thu và 73% kế hoạch lợi nhuận.
Theo
SPM, công ty đã có kế hoạch sản xuất dự phòng từ cuối năm trước, như dự trữ nguyên vật liệu và thành phẩm, qua đó kịp cung ứng để duy trì kết quả kinh doanh ổn định. Chi phí bán hàng và quản lý lần lượt giảm 38% và 47% do đơn vị tạm dừng hoạt động marketing, nghiên cứu thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, phía công ty cho biết việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh tương lai.
Về quy mô tài sản, tổng tài sản tăng 2% lên 1.076 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 81%. Riêng phải thu khách hàng gần 750 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm do ghi nhận thêm 34 tỷ đồng khoản phải thu của Công ty TNHH Dược phẩm Đô Thành lên 735 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ vay tài chính ngắn hạn tăng 7% lên gần 230 tỷ đồng, tương đương 76% tổng nợ phải trả. Trong đó, khoản vay từ Vietcombank – Chi nhánh Hùng Vương lên đến 202 tỷ đồng, bên cạnh hơn 27 tỷ đồng nợ vay BIDV, và các khoản vay đối tượng khác. Công ty không có khoản nợ dài hạn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 30%. Đến cuối quý II, doanh nghiệp có hơn 433 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, cùng với gần 211 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Cổ phiếu VMD tăng phiên thứ 16 liên tiếp
Một cổ phiếu dược khác tiếp tục tăng mạnh thời gian qua là VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (HoSE:VMD) có 16 phiên tăng liên tiếp trong đó 14 phiên trần với khối lượng khớp lệnh bình quân khoảng 44.520 cổ phiếu. Chỉ sau hơn 3 tuần giao dịch, thị giá mã này đã tăng 192% lên mức 72.100 đồng/cp.
Cổ phiếu VMD tăng trần liên tục trong bối cảnh Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ doanh nghiệp này nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế nửa đầu năm, công ty đạt 7.604 tỷ đồng doanh thu và hơn 19 tỷ lãi sau thuế, lần lượt giảm 10% và tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 51% mục tiêu lợi nhuận cả năm.