Quy hoạch điện VIII đang được chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi phê duyệt. Như vậy, các dự án đầu tư vào ngành điện nếu chưa có tên trong Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh… tiếp tục chờ.
Hành trình dài
Vào ngày 1/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1264/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Quyết định này có dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương tại tờ trình số 5566/TTr-BCT ngày 2/8/2019; Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch điện VIII tại văn bản số 97/BC-BCT ngày 2/8/2019.
Theo Quyết định 1264/QĐ-TTg, Quy hoạch Điện VIII được lập cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với phạm vi ranh giới là quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Quyết định 1264/QĐ-TTg cũng đưa ra quan điểm lập quy hoạch là điện lực phải phát triển trước một bước để đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước; đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển điện lực, đặc biệt là các thành phần kinh tế tư nhân.
Ngoài việc xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên và các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030; định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất các nguồn điện trong giai đoạn 2031 - 2045, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kv trở lên trong giai đoạn 2031 – 2045, quan điểm lập Quy hoạch điện VIII cũng nhắc tới “tính mở”.
Theo phê duyệt, Quy hoạch điện VIII có 3 tập. Trong đó tập I là thuyết minh chung, gồm 18 chương. Tập II là các Phụ lục tính toán trình bày các thông số đầu vào, các kết quả tính toán dự báo phụ tải; kết quả tính toán của chương trình phát triển nguồn điện, chương trình phát triển lưới điện; kết quả tính toán của phân tích kinh tế tài chính. Còn tập III là các bản vẽ mô tả địa lý của hệ thống điện quốc gia trong thời kỳ quy hoạch.
Thời hạn lập quy hoạch cũng được quy định là 12 tháng, kể từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập Quy hoạch điện VIII.
Ngày 30/5/2020, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã ký Hợp đồng Lập Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch.
Đơn vị thực hiện lập Đề án Quy hoạch điện VIII là Viện Năng lượng.
Vào ngày 8/7/2020, Viện Năng lượng đã phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tổ chức Hội thảo lần thứ nhất về Quy hoạch điện VIII tại Hà Nội.
Tiếp đó ngày 28/9/2020, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo - Bộ Công thương phối hợp với Viện Năng lượng tổ chức Hội thảo lần thứ hai về Quy hoạch điện VIII.
Tới ngày 09/02/2021, Bộ Công thương có Văn bản số 828/BCT-ĐL xin ý kiến các Bộ ngành liên quan đối với Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII.
Sau đó ngày 26/3/2021, Bộ Công thương đã có tờ trình số 1682/TTr-BCT tới Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Đề án này cũng đã được Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thông qua trước đó ít ngày.
Khi đó, không ít dự đoán đã được đưa ra với kỳ vọng, Quy hoạch Điện VIII sẽ được ký ban hành trước khi Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm kỳ. Dẫu vậy, mọi chuyện đã không diễn ra.
Cả ngàn ý kiến góp ý, rà soát kỹ
Bước sang nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026, Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Chính phủ và được yêu cầu rà soát lại, tiến hành bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Vào đầu tháng 9/2021, Dự thảo Quy hoạch điện VIII sau khi được rà soát, cập nhật lại đã được Bộ Công thương gửi lấy ý kiến các bên liên quan.
Tới ngày 3/10/2021, Hội đồng thẩm định đã họp xem xét và bỏ phiếu thông qua và ngày 8/10/2021, sau khi hoàn thiện và tiếp thu các ý kiến, Bộ Công thương đã có tờ trình số 6277/TTr-BCT tới Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII.
Trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ Công thương cũng đã nhận được 681 ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức lẫn các chuyên gia hồi đầu năm nay.
Sau khi được rà soát và bổ sung gần đây, Bộ Công thương đã nhận thêm được 157 ý kiến của các cơ quan bộ ngành và 143 ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty.
Trong tờ trình 6277/TTr-BCT, Bộ Công thương cũng cho hay, kết quả dự báo phụ tải toàn quốc và các miền sau khi tiến hành rà soát không thay đổi so với kết quả đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021.
Vào ngày 19/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII. Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, tập đoàn lớn (Điện lực, Dầu khí, Than - Khoáng sản), các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số tổ chức quan tâm đến phát triển năng lượng như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, Liên minh Năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Tại cuộc làm việc này, Phó thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn rất cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xây dựng, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế. Tính từ tháng 3/2021, Bộ Công thương đã liên tục cập nhật, hoàn thiện, trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ 3 phiên bản Quy hoạch Điện VIII với những điều chỉnh rất quan trọng.
Sau cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ cũng có Thông báo số 8550/VPCP - CN gửi Bộ Công thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chuẩn bị tổ chức hội nghị với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch điện VIIII.
Thông báo nêu rõ, để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII trình duyệt bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, đồng thuận và hiệu quả tốt nhất cho đất nước, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước về Quy hoạch điện VIII.
Đề chuẩn bị tốt Hội nghị này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo và yêu cầu các địa phương gửi báo cáo ngắn gọn về tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn, báo cáo tổng hợp về các đề xuất bổ sung quy hoạch nguồn và lưới điện đã gửi Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ đến ngày 20/11/2021 mà chưa được phê duyệt để Bộ Công thương tổng hợp.
Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của các địa phương về quy hoạch các loại nguồn điện và lưới điện, Bộ Công thương tổng hợp và chuẩn bị tài liệu, nội dung, chương trình Hội nghị để báo cáo Phó thủ tướng Lê Văn Thành trước ngày 30/11/2021.
Ngay sau đó hơn 50 địa phương đã gửi tới Bộ Công thương đề nghị bổ sung tổng cộng 550.000 MW điện các loại vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Trong số này có 129.000 MW điện gió ngoài khơi, 106.000 MW điện gió trên bờ, 140.000 MW điện khí LNG, 118.000 MW điện mặt trời quy mô trang trại…
Tại Nghị quyết 155/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12/2021.
Dẫu vậy, hiện đã là tháng 1/2022, song Quy hoạch điện VIII vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi được phê duyệt. Như vậy, các dự án đầu tư vào ngành điện nếu chưa có tên trong Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh trước đó sẽ lại được tiếp tục chờ.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32-115,96 tỷ USD, trong đó: vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 85,70-101,55 tỷ USD (mỗi năm khoảng 8,57 - 10,15 tỷ USD), cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58-14,41 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36-1,44 tỷ USD).
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2031-2045 khoảng 180,1-227,38 tỷ USD, trong đó: vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 163,14-208,89 tỷ USD (mỗi năm khoảng 10,88-13,93 tỷ USD), cho lưới điện khoảng 16,93-18,49 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,13-1,23 tỷ USD).
(Tờ trình số tờ trình số 6277/TTr-BCT ngày 8/10/2021 )