Trong những ngày đầu năm, dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và Việt Nam, nhưng xuất khẩu nông sản vẫn nhiều lạc quan.
Tin vui đầu năm - hợp đồng liên tiếp "bay" về
“Tôi vừa nhận được thông tin phía đối tác đặt 10.000 tấn gạo, xuất đi sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022” – chiều 7.1.2021, nhắn tin cho PV Lao Động, doanh nhân Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ – một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc phấn khởi chia sẻ.
Doanh nhân Nguyễn Quang Hòa cũng cho biết, mặc dù dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định nhờ thường xuyên trao đổi thông tin, có sự thấu hiểu lẫn nhau và chia sẻ khó khăn giữa hai bên.
Những ngày đầu năm 2022, Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) đã xuất khẩu 2 container cà phê thương hiệu Meet More đi thị trường châu Âu (EU). Đây là cà phê chế biến hòa tan pha trộn với các loại nông sản khác như trái nhàu, bạc hà, khoai môn, xoài, dừa, đậu xanh... để tạo nên những hương vị độc đáo đầy sáng tạo. Điều đáng nói là, mặc dù đây lần đầu tiên doanh nghiệp này xuất khẩu cà phê sang EU, nhưng tín hiệu thị trường rất lạc quan. Trước đó, Toàn Cầu đã xuất khẩu cà phê sang thị trường các nước Hàn Quốc, Australia, Trung Đông. “Thừa thắng xông lên”, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch xuất khẩu cà phê trái cây vào thị trường Mỹ và Nga vào cuối tháng 1 năm nay.
Tham gia đoàn công tác do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ngay những ngày đầu năm 2022, ông Phạm Hoàng Vũ - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sybil Agri Việt Nam đã chốt ký được hợp đồng xuất khẩu nông sản là 10 tấn hồ tiêu, đồng thời đang tiếp tục thương lượng khâu cuối về điều khoản thanh toán cho 3 hợp đồng xuất khẩu 1 container hoa hồi, 1 container hỗn hợp các sản phẩm hồ tiêu, cơm dừa, hạt điều, và hợp đồng cung cấp tiêu nguyên năm với số lượng lên tới 500 tấn tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Xuất khẩu nông sản Việt Nam được hưởng lợi về giá trong năm 2022. Ảnh: Vũ Long
Tham gia đoàn công tác, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã đạt được những thoả thuận giá trị với các đối tác ở UAE. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng-Tổng Giám đốc Công ty Vinanutrifood cũng phấn khởi chia sẻ, Vinanutrifood cũng đã có kế hoạch mở hệ thống NutriMart phân phối các sản phẩm nông sản, thực phẩm và tiêu dùng chất lượng cao của Việt Nam tại UAE.
Dự báo xuất khẩu nông sản năm 2022 tiếp tục lạc quan
Thông tin từ nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch COVID-19.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ngày 7.1.2022 đã tăng thêm 5 USD/tấn, rút ngắn khoảng cách, chỉ thua giá gạo xuất khẩu Thái Lan từ 2-8 USD/tấn tùy loại gạo. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn giá gạo Pakistan từ 12-45 USD/tấn tùy loại; cao hơn gạo Ấn Độ từ 50-65 USD/tấn, tùy loại.
Trong năm 2021, cà phê là 1 trong 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD và là những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc "tốp đầu" của ngành nông nghiệp. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam chiếm gần 7% tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp đất nước. Bên cạnh người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích hạt cà phê Việt Nam. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan. Năm 2022, ngành cà phê cũng đang đẩy mạnh chế biến sâu, nếu các doanh nghiệp có chiến lược tiếp cận đúng đắn thì thị trường có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ, Nga, Nhật Bản,… sẽ quan tâm nhiều hơn đến cà phê Việt Nam.
Đối với mặt hàng cao su, nhiều chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2022-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần, vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 có thể vượt mốc 3,6 tỉ USD. Dù nhiều dự báo cho rằng quý I/2021 giá cao su có thể sẽ đi ngang ở mức 2,4 USD/kg, nhưng giá cao su sẽ bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao.
Để đảm bảo được chất lượng cao su, Hiệp hội cao su Việt Nam đang đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Việt Nam Rubber”, nâng chất lượng trồng và chế biến để xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam.
Cùng với đó, dự báo của các chuyên gia kinh tế thế giới và trong nước cũng cho rằng, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, trái cây, rau quả, thủy sản... của Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội trong năm 2022. Điều cơ bản là Việt Nam phải làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 để hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu không bị gián đoạn.