Xuyên suốt mục tiêu điều hành của Chính phủ thời gian qua là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo đó, chính sách tiền tệ đang phải gồng mình để hoàn thành nhiệm vụ...
Ảnh minh hoạ
Nhiều đại diện tổ chức quốc tế như WB, ADB, Moody’s… đều cho rằng việc triển khai các biện pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ và phù hợp đã giúp Việt Nam kiềm chế lạm phát tốt, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
CHỐNG CHỌI GIỮA "BỐN BỀ THỌ ĐỊCH"
Với đặc điểm là nền kinh tế có độ mở cao nên gần như tất cả diễn biến mới trên thế giới đều thẩm thấu tới Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và quá trình điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.
Thực tế, thời gian qua, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đối mặt với rất nhiều khó khăn. Giữa lúc nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát ở Việt Nam chủ yếu là do yếu tố “chi phí đẩy” và yếu tố tiền tệ là thứ yếu, do đó, khi bước ra khỏi đại dịch, cần tăng lượng tiền trong lưu thông để hỗ trợ phục hồi kinh tế, thì Ngân hàng Nhà nước đã có một quan điểm không hoàn toàn ngược chiều nhưng khá là kiên định: không mất cảnh giác với lạm phát do tiền tệ.
Lý do để Ngân hàng Nhà nước cảnh giác như vậy là bởi trong suốt 2 năm 2020 và 2021, một lượng tiền rất lớn từ kênh tín dụng nằm im trong nền kinh tế; các hoạt động thu nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng tạm dừng để không gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp, trong khi hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất đình trệ. Bởi vậy, dòng tiền lớn chảy vào vàng, tiền ảo, bất động sản và chứng khoán...