Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã phải chính thức tăng lãi suất điều hành sau khi lãi suất huy động và cho vay đã tăng đáng kể trên các thị trường ngay từ đầu năm.
Việc tăng lãi suất điều hành của NHNN diễn ra sau các đợt tăng lãi suất cơ bản liên tiếp của Fed – Ngân hàng Trung ương Mỹ. Fed tăng lãi suất làm tiền đồng mất giá mạnh nếu NHNN không can thiệp. Kênh can thiệp bán đô la Mỹ đã làm giảm mạnh quỹ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, buộc NHNN phải dựa nhiều hơn vào kênh can thiệp lãi suất.
Và trong bối cảnh lạm phát ở Việt Nam còn “thấp”, vẫn dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm, nhiều người cho rằng mục đích nâng lãi suất điều hành của NHNN là để bảo vệ tỷ giá, chứ không phải kiềm chế lạm phát. Bản thân phát ngôn của các lãnh đạo NHNN cũng đôi lúc có chút mâu thuẫn, không rõ ràng về chuyện này (mục đích chính là bảo vệ tỷ giá hay kiềm chế lạm phát?) nên lập luận về bảo vệ tỷ giá càng có cơ sở.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức lạm phát theo tháng ở Việt Nam đã tăng khá mạnh trong năm nay, thậm chí lên tới 1% hồi tháng 2 so với tháng 1. Đến tháng 8, đã tưởng đâu lạm phát được kiềm chế thành công, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng 7, nhưng rồi lại tăng mạnh trở lại vào tháng 9 (tăng 0,4% so với tháng 8). Và so với tháng 12-2021 thì CPI tháng 9 đã tăng 4,01%, còn so với tháng 9-2021 thì tăng 3,94. Cần lưu ý thêm rằng mức mục tiêu 4% này cũng không phải là “thấp” để mà an tâm khi CPI vẫn nằm trong ngưỡng này, để cho rằng lạm phát không phải là thách thức vĩ mô chính hiện nay.
"NHNN sẽ phải dự báo, quan sát diễn biến của nền kinh tế thực để quyết định tần suất và mức độ tăng lãi suất của mình. Nếu tăng trưởng chững lại, hay quay đầu nhanh chóng, thì NHNN nhiều khả năng sẽ phải ngừng việc điều chỉnh lãi suất dù Fed có tiếp tục tăng lãi suất nữa hay không."
Một điều quan trọng nữa là kỳ vọng lạm phát. Lạm phát hiện tại có thể vẫn dưới mục tiêu, trong vòng kiểm soát, nhưng kỳ vọng lạm phát vẫn còn nguyên đó, càng tăng tiến theo đà tăng một cách bướng bỉnh của lạm phát ở nhiều nước trên thế giới, bất chấp các đợt các ngân hàng trung ương tăng lãi suất rầm rộ, mạnh mẽ, quy mô toàn cầu.
Bởi vậy, việc tăng lãi suất của NHNN là tất yếu, không thể tránh khỏi. Nhưng không chỉ có tác dụng giảm áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng, tăng lãi suất tất nhiên còn hỗ trợ tỷ giá nên gián tiếp giảm áp lực lạm phát. Do đó, không cần thiết phải tranh luận mục đích tăng lãi suất để làm gì mà chỉ cần biết tăng lãi suất là điều bắt buộc phải làm.
Nhìn về phía trước, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thêm các đợt tăng lãi suất trong năm nay và đầu năm tới là cao nên NHNN cũng khó tránh khỏi phải tiếp tục tăng lãi suất điều hành (hoặc ít ra thì ngầm để lãi suất tăng trên thị trường mà không công bố chính thức, như đã chứng kiến). Nói cách khác, lãi suất dù trên thực tế hay danh nghĩa của Việt Nam đều sẽ tăng nếu Fed tăng lãi suất của họ. Doanh nghiệp vay vốn cũng sẽ tất yếu phải chịu mức lãi vay cao hơn (ngầm định và/hoặc chính thức), dù NHNN gần đây trấn an rằng sẽ “bình ổn” lãi suất cho vay.
Điều đáng nói ở đây là chuyện lãi suất tăng này không hẳn là “ngày tận thế” với doanh nghiệp. Nếu có tăng một vài điểm phần trăm thì mức lãi suất cho vay này vẫn không phải là cao đột biến so với diễn biến trong quá khứ, đã từng có lúc lên đến gần 20%/năm. Có thể có người cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp làm ra chỉ quanh quẩn 7-10%/năm hoặc thấp hơn mà phải trả lãi vay tới, ví dụ, 12%/năm thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ và phá sản. Chuyện này đã được nói đến nhiều và được chứng minh là một quan niệm sai lầm rồi.
Ngoài ra, để biết doanh nghiệp có chịu được mức lãi suất vay cao như thế không thì cần nhìn vào triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ chịu được lãi suất vay cao, nếu họ chuyển được chi phí vay đắt đỏ này vào giá bán và tiêu thụ được sản phẩm của mình, cũng tương tự như khi lạm phát cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sống được.
Một trong những căn cứ để Fed mạnh tay và kiên định với chính sách thắt chặt tiền tệ của mình là diễn biến tích cực của nền kinh tế Mỹ, được thể hiện một phần qua chỉ số tạo việc làm mới. Chỉ số này tiếp tục được duy trì, cải thiện có nghĩa là việc tăng lãi suất của Fed không ảnh hưởng đến mức“chết chóc” lên nền kinh tế Mỹ, đến doanh nghiệp Mỹ nói chung.
Điều tương tự cũng cần được xem xét ở Việt Nam. Việc tăng lãi suất không chính thức ở Việt Nam từ đầu năm vẫn không cản bước Việt Nam đạt được các con số tăng trưởng GDP ấn tượng qua các quí cho đến nay. Trong các quí tới, NHNN sẽ phải dự báo, quan sát diễn biến của nền kinh tế thực (chứ không phải, ví dụ, tỷ giá) để quyết định tần suất và mức độ tăng lãi suất của mình.
Nếu tăng trưởng chững lại, hay quay đầu nhanh chóng, thì NHNN nhiều khả năng sẽ phải ngừng việc điều chỉnh lãi suất dù Fed có tiếp tục tăng lãi suất nữa hay không. Nhưng lúc đó cũng đừng lo quá về áp lực tỷ giá hay lạm phát, bởi đơn giản là khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng đồng nghĩa với tổng cầu tăng trưởng chậm lại, sẽ góp phần giảm áp lực tỷ giá hay lạm phát.