Vi mạch bán dẫn có tốc độ phát triển từ 7-9% mỗi năm được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như AI, IoT, 5G, Big Data,… Tuy nhiên, ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam hiện đang ở đâu là một vấn đề đang được đặt ra.
Mô hình Bán dẫn – Vi mạch, lịch sử phát triển linh kiện và công nghiệp. Ảnh: CTV
Công nghiệp chip bán dẫn của các nước đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ
Nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn trong nước, tháng 8/2022 Mỹ đã phân bổ 50 tỷ đô la Mỹ hỗ trợ ngành công nghiệp chip nội địa của Mỹ, ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Mỹ như miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Ngay từ đầu năm 2022, EU cũng đã phân bổ 49 tỷ đô la Mỹ cho ngành công nghiệp bán dẫn để giảm sự phụ thuộc vào Châu Á, nhằm gia tăng thị phần bán dẫn lên 20% vào năm 2030 so với 10% vào năm 2020, đổi mới công nghệ thiết kế, đóng gói chip tiên tiến, hỗ trợ lắp đặt các nhà máy sản xuất tại EU.
Nhật Bản chi 5,2 tỷ đô la Mỹ tài trợ các nhà máy chip và đặt mục tiêu doanh số của các công ty sản xuất chất bán dẫn tại Nhật Bản sẽ tăng gấp 3 lần lên 118 tỷ USD vào năm 2030.
Trong khi Hàn Quốc thành lập Ủy ban đặc biệt về hỗ trợ các nhà sản xuất chip bán dẫn nội địa, ngày 13/5/2021, công bố Chiến lược “Vành đai chíp bán dẫn Hàn Quốc” có sự phối hợp của cả khu vực công và tư cùng tham gia với vốn đầu tư 453 tỷ đô la Mỹ đến năm 2030. Hỗ trợ các công ty theo nhiều hình thức khác nhau như giảm thuế, giảm lãi suất, nới lỏng các quy định và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ nước và tăng cường nguồn điện ở khu vực đặt nhà máy sản xuất chip, kế hoạch đào tạo 36.000 chuyên gia về chip trong giai đoạn 2022-2031 và thảo luận về việc sửa đổi các luật nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất chip.
Trung Quốc thành lập Quỹ đầu tư vi mạch quốc gia (National IC Fund) huy động khoảng 150 tỷ đô la Mỹ từ chính quyền trung ương và các tỉnh để trợ cấp, dưới dạng khu vực, các quỹ cấp tỉnh và quốc gia và các chính sách hỗ trợ đầu ra của sản phẩm và mua lại các công ty trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời tài trợ vốn FDI ra nước ngoài để mua lại các công ty nước ngoài.
Chính phủ Nga có kế hoạch sử dụng gói hỗ trợ trị giá hơn 3.000 tỷ Rúp, tương đương hơn 38 tỷ đô la Mỹ cho các đơn vị phát triển và sản xuất chip bán dẫn nội địa Nga và tập trung vào 4 mảng chính: Phát triển công nghệ chế tạo chip, phát triển công nghệ chip, phát triển thị trường chip nội địa Nga, và đào tạo đội ngũ kỹ sư trong nước. Trong ngắn hạn Nga đặt mục tiêu là tăng cường sản xuất chip nội địa trên tiến trình 90nm vào cuối năm 2022 và tự sản xuất được chip 28nm vào năm 2030.
Như vậy, các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới. Các nước đều có chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn theo hướng tự chủ chuỗi cung ứng sản xuất chip của riêng mình. Về giải pháp thực hiện, đều có khoản đầu tư từ Chính phủ rất lớn và có cách đi riêng phù hợp với điều kiện và năng lực của mỗi nước.
Hiện công nghiệp chip bán dẫn trên thế giới đang trong giai đoạn thiếu nguồn cung chip bán dẫn do chu kỳ sụt giảm đầu tư của lĩnh vực vi mạch bán dẫn giai đoạn 2019 và 2020. Bên cạnh đó còn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…
Ưu đãi cho ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam cao nhất so với nhiều ngành khác
Tại Việt Nam, kể từ khi nhà máy Z181 dừng việc sản xuất bán dẫn, cho đến nay Việt Nam chưa xuất hiện thêm nhà máy sản xuất bán dẫn, chỉ có nhà máy của Intel và một vài công ty FDI làm công đoạn máy lắp ráp, gia công, đóng gói.
Giáo sư Đặng Lương Mô - Chuyên gia đầu ngành, người có nhiều bằng sáng chế khoa học nước ngoài về ngành vi mạch bán dẫn cho rằng: "Chương trình Z181 của Giáo sư Trần Đại Nghĩa thật ra là rất sáng suốt. Chúng ta biết rằng, tháng 1/1975, Hàn Quốc cũng như Đài Loan, họ vẫn còn gia công lắp ráp. Cho nên có thể nói rằng; thời điểm đó, Việt Nam chúng ta đã bắt đầu làm vi mạch, có thể ít nhất là tương đương sớm như Hàn Quốc và Đài Loan".
Quang cảnh tại hội thảo “Giải pháp và cơ chế chính sách phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”. Ảnh: CTV
Đối với thiết kế vi mạch hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có các công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại khoảng 30 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cùng với với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TP. Hồ Chí Minh (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).
Nhiều công ty lớn của thế giới về IC design đã mở chi nhánh ở Việt Nam để tận dụng các kỹ sư Việt Nam có trình độ chuyên môn tốt và chi phí lương thấp. Vi dụ như: Qorvo, Renesas, Mircrochip, Synopsys,... tạo ra hàng ngàn kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, hiện nay các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn ở nước ta hiện đã được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước,… của Chính phủ Việt Nam. Dù là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng Việt Nam chưa có lộ trình và các giải pháp đặc biệt cũng như kế hoạch đầu tư từ nhà nước để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Theo đó, trong giai đoạn hiện nay vấn đề quy hoạch, dành nguồn đầu tư, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch, bán dẫn chưa được ngành chủ quản, chính quyền các địa phương quan tâm đúng mức. Một số ngành, khu chế xuất, khu công nghiệp, việc quy hoạch còn mang tính tự phát, thậm chí không có trong danh mục thu hút đầu tư...
Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix,… Các công ty trong nước chỉ có VHT và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip, các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định.
Về dài hạn, việc triển khai chiến lược chuyển đổi kinh tế số giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP, sẽ gặp thách thức do Việt Nam khó chủ động về nguồn cung, giá thành chip và thiết bị công nghệ khiến nguy cơ không đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cao hơn./.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn nên tập trung đầu tư nhà máy sản xuất, tham khảo công nghệ đóng gói hệ thống SIP 2.5D. Có thể tập trung vào các dòng sản phẩm cụ thể, như chip quản lý IC nguồn, chiếm giá trị cao, có ứng dụng, thị trường lớn, phù hợp với nguồn lực của Việt Nam.