Có thể nói, tâm lý nhà đầu tư cá nhân đang là một trong những yếu tố chính khiến thị trường giảm về mốc hồi đầu năm 2020, bất chấp kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng khá ấn tượng.
Từ mức cao nhất 1.528 điểm đạt được, tính đến hiện tại, VN-Index đã mất hơn 420 điểm, giá trị vốn hóa của 3 sàn theo đó cũng mất khoảng 1.600.000 tỷ đồng.
Khó hiểu về chuỗi giảm điểm liên tiếp
Riêng trong tháng 9, VN-Index giảm 11,59% so với tháng 8 và giảm 24,44% so với cuối năm 2021. Cùng với đó, thanh khoản trên sàn HoSE cũng giảm khoảng 15% cả về khối lượng và giá trị giao dịch… Sau phiên hứng khởi chốt tháng 9 với điểm số và thanh khoản tăng đáng kể, VN-Index tiếp tục bước sang tháng 10 với những phiên đỏ lửa.
VN-Index tiếp tục “rơi” và thanh khoản “nhỏ giọt” bất chấp kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng khá ấn tượng (Ảnh: Int)
Nhìn chung, thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua bị tác động nặng nề từ tâm lý quốc tế lẫn trong nước. Đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và “hé mở” có thể tăng thêm 1,25% lên mức 4,25-4,5%, khiến USD tăng giá mạnh so với đồng tiền các nước khác.
Kéo theo đó, Việt Nam cũng khó tránh bị ảnh hưởng. Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tăng lãi suất điều hành, đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đứng trước áp lực tăng lãi suất huy động để cạnh tranh. Vì vậy, kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn so với đầu tư chứng khoán, khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu nhiều.
Tuy nhiên, giới phân tích đã đưa ra nhiều yếu tố củng cố cho nhận định TTCK chỉ bị ảnh hưởng ngắn hạn, bởi đây là những điều nhà đầu tư đã sớm nhìn thấy rõ, những gì diễn ra chỉ là khẳng định lại.
Bên cạnh đó, những con số cho thấy kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng tích cực, mức tăng GDP quý III vừa qua vượt mọi dự báo, lạm phát kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan…
Tuy nhiên, mọi diễn biến xấu vẫn diễn ra và VN-Index vẫn “rơi” cùng thanh khoản “nhỏ giọt”. Ngay cả trong phiên giành lại mốc 1.100 điểm (phiên 5/10), giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 7.946 tỷ đồng, giảm 33% so với phiên trước đó.
“Không hiểu thị trường đang lo lắng điều gì? Nhà đầu tư đang phản ứng mạnh với điều gì? Nhà đầu tư chờ gì? Một số doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt tốt, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, khá phù hợp để đầu tư, nhưng có lẽ thị trường đang phản ứng thái quá với nhiều thông tin được truyền thông theo hướng tiêu cực”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á bày tỏ.
Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch AzFin, việc bán cổ phiếu phản ánh tâm lý bi quan, lo ngại khủng hoảng kinh tế thế giới của các nhà đầu tư… Nhưng thực sự việc phản ứng của giới đầu tư cũng thái quá, lo sợ thái quá. Bởi lẽ Việt Nam có nền kinh tế ổn định, mạnh mẽ. Thế giới có xảy ra suy thoái hay khủng hoảng cũng chỉ khiến Việt Nam yếu đi một phần nào, tức bớt khỏe đi phần nào chứ kinh tế vẫn tốt.
Ông Phục cũng chỉ ra nguyên nhân phản ứng thái quá là do có tới 90-95% các giao dịch trên TTCK là nhà đầu tư cá nhân. Họ là những người rất nhạy cảm với tin tức, lại thường đầu tư ngắn hạn nên mới phản ứng như vậy.
Thị trường sẽ tích cực hơn từ năm 2023
Hiện tại, tâm lý nhà đầu tư vẫn dao động, khó đoán bởi vẫn chưa tìm thấy thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Bên cạnh đó, dòng tiền, cung tiền rất khan hiếm trên thị trường, khi tín dụng tăng có hạn, trái phiếu vẫn khó phát hành, đầu tư công vẫn chưa quá mạnh. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã bán 23-25 tỷ USD, từ đó hút tiền về khoảng 540.000 tỷ đồng khiến cho thanh khoản tiền tệ trên thị trường khan hiếm.
Hơn nữa, việc tăng lãi suất của Fed dự báo vẫn còn sẽ tiếp tục. Tại Việt Nam, rất có thể lãi suất huy động tiếp tục tăng.
Một số chuyên gia cho rằng, dòng tiền tham gia TTCK trong tháng 10 và 11/2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong ngắn hạn, diễn biến TTCK tương đối khó nhận định và thị trường rất khó để có thể bứt phá mạnh. Và khi dòng tiền không mạnh mẽ thì không đổ vào toàn bộ thị trường mà sẽ tập trung vào cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với năm trước là chính, đặc biệt là cổ phiếu có tính chất cơ bản tốt. Dòng tiền vẫn tránh xa nhóm đầu cơ, bởi hiện tại nhóm đầu cơ rất nguy hiểm.
Tuy vậy, dưới góc nhìn tích cực, ông Đinh Minh Trí, chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset dự báo, thanh khoản thị trường sẽ cải thiện từ tháng 12/2022 trở đi và sẽ rõ ràng hơn vào quý I/2023. Khi đó dòng tiền sẽ tích cực hơn vì room tín dụng của các ngân hàng còn dồi dào trong quý đầu năm, hỗ trợ thanh khoản chung cho nền kinh tế.
Chủ tịch AzFin cũng cho rằng, bước sang năm 2023, thị trường sẽ khởi sắc hơn năm 2022, đồng thời chỉ ra những yếu tố tích cực.
Trước hết, năm 2023, Quốc hội sẽ nâng mục tiêu lạm phát, thay vì 4% như năm 2022 thì có thể nâng lên cao hơn, khiến cho dư địa cung tiền của Chính phủ sẽ thoải mái hơn. Đồng nghĩa với việc tín dụng tăng trưởng mạnh hơn.
Hiện tại, lãi suất VND đã tăng, tỷ giá đã mất khoảng 4%. Kỳ vọng năm 2023 áp lực lên tỷ giá thấp, Ngân hàng Nhà nước hạn chế việc bán ra USD, từ đó giảm động thái hút tiền về.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn thặng dư ngân sách lớn. Với việc thúc đẩy vào cuối năm 2022, kỳ vọng năm sau đầu tư công tăng trưởng mạnh hơn, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, và đầu tư công cũng là hy vọng lớn nhất trong năm 2023.
Cuối cùng, vẫn có sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết khoảng 10%. Khi đó, định giá thị trường về mức rẻ tương đương giai đoạn 2011-2012, tức P/E forward về khoảng 10 lần, tương đương hơn 10%, cao hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng và thị trường theo đó có sự khởi sắc hơn trong năm 2023.
“Nếu nhìn góc độ dài hạn, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong xu hướng phục hồi, các doanh nghiệp Việt vẫn đủ sức để đi qua giai đoạn này trong vòng 12 tháng tới thì đây là thời điểm đầu tư tuyệt vời”, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank khuyến nghị.