Là loại hình phát triển muộn hơn cảng biển, song hiện nay cảng cạn được quan tâm đầu tư tại các khu vực, hành lang vận tải tập trung lưu lượng hàng hóa container lớn.
Tại hội thảo lấy ý kiến về “Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, sau 20 năm phát triển, hệ thống cảng biển Việt Nam định hình với quy mô tổng chiều dài trên 90 km, đầy đủ công năng xếp dỡ với năng lực thông quan đạt khoảng 750 triệu tấn/năm.
Là loại hình phát triển muộn hơn cảng biển, song hiện nay cảng cạn được quan tâm đầu tư tại các khu vực, hành lang vận tải tập trung lưu lượng hàng hóa container lớn như Móng Cái - Quảng Ninh, Đình Vũ - Hải Phòng, Quế Võ - Bắc Ninh, Gia Lâm - Hà Nội, Duy Tiên - Hà Nam, Nhơn Trạch - Đồng Nai…
“Các cảng cạn đã góp phần quan trọng trong tổ chức mạng lưới vận tải, tận dụng hiệu quả đặc thù, thế mạnh giao thông vận tải của từng vùng, đặc biệt vận tải thủy nội địa để chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, giá thành rẻ và ít ô nhiễm”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT báo cáo kết quả nghiên cứu Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, cảng cạn là bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế. Phát triển cảng cạn nhằm tổ chức vận tải container, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùng tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn. Phát triển cảng cạn ở Việt Nam đang càng ngày càng trở nên cấp thiết.
Trên thực tế, hoạt động triển khai cảng cạn thời gian qua còn chậm chạp. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 10 cảng cạn, ngoài ra 06 cảng thông quan nội địa – ICD đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng các Chủ 3 đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định.
Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và điểm thông quan nội địa (ICD) đang hoạt động hiện nay khoảng 4,2 triệu TEU/năm (Cảng cạn, cảng ICD ở Miền Bắc thông qua khoảng 0,45 triệu TEU/năm, Miền Nam khoảng 3,65 triệu TEU/năm), trong đó 90% hàng hóa thông qua các cảng thông quan nội địa (ICD), bao gồm 6 cảng ICD đã quy hoạch thành cảng cạn và cả cụm cảng ICD Trường Thọ, TP. Hồ Chí Minh.
Khối lượng hàng thông qua 10 cảng cạn đã công bố chỉ chiếm khoảng 10% do hầu hết trong số này đều mới được hình thành và đều nằm ở Miền Bắc, ngoại trừ cảng cạn Tân cảng Nhơn Trạch ở Đồng Nai. Với 35 - 40% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container làm thủ tục hải quan tại cảng cạn. các cảng tại miền Nam phát huy được ưu thế vận tải thủy nội địa (chiếm 35 -40%), hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Đáng lưu ý, đề xuất giải pháp về đầu tư cho phát triển hệ thống cảng cạn, ông Chung đề nghị xem xét áp dụng đầu tư phát triển cảng cạn theo theo hình thức đối tác công tư (PPP) với các cảng cạn có quy mô lớn theo hướng Nhà nước tạo điều kiện về quỹ đất, đầu tư kết nối đường sắt với cảng cạn, hoàn chỉnh môi trường pháp lý và ban hành cơ chế, chính sách phát triển cảng cạn và tư nhân đầu tư hạ tầng, thiết bị và tổ chức quản lý, khai thác cảng cạn.
Đồng thời, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn bằng các hình thức theo quy định của pháp luật...
Trong khi đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: "Với quy hoạch chi tiết nhóm cảng cạn, cần đề xuất cụ thể về các chính sách trong giải pháp. Phải nêu rõ các quy định hiện tại còn điều gì vướng mắc, cần tháo gỡ để phát triển".
Theo dự thảo “Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", mục tiêu đến năm 2025, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng 20% - 30% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6 - 8,7 triệu Teu/năm. Trong đó, miền Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 2,2 - 3,0 triệu Teu/năm; miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,24 - 0,37 triệu Teu/năm; miền Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 3,5 - 5,3 triệu Teu/năm.
Đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng 25% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng 11,6 - 15,7 triệu Teu/năm. Trong đó, miền Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 4,2 - 5,5 triệu Teu/năm; miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,66 - 0,95 triệu Teu/năm; miền Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 6,8 - 9,3 triệu Teu/năm.
Định hướng đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.
Theo Thy Hằng