Quảng Trị là một địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp. Để thực hiện mục tiêu trở thành mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung thì trồng rừng gỗ lớn phục vụ vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu được xem là hướng đi mới, đúng đắn. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiệu quả từ việc trồng các cánh rừng gỗ lớn
Mô hình trồng rừng gỗ lớn phục vụ vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 95.675 ha diện tích rừng trồng sản xuất, sản lượng gỗ khai thác bình quân đạt từ 900.000 - 1.000.000 triệu m3/năm. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng khó.
Ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc Hợp tác xã Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cho biết, Hợp tác xã Cam Thủy hiện có 55ha; trong đó có 2ha trồng rừng gỗ lớn. Từ năm 2014, hợp tác xã triển khai trồng mô hình rừng gỗ lớn nhằm phục vụ vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Qua quá trình triển khai mô hình, hợp tác xã nhận thấy lợi ích của rừng gỗ lớn đạt hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với rừng gỗ nhỏ. Đặc biệt là chi phí bỏ ra ban đầu như: vốn, làm đất, cây giống, tỷ lệ rủi ro, biến động thị trường…
Bên cạnh đó, do khí hậu tại Quảng Trị đặc thù chịu nhiều mưa bão nên khi trồng rừng gỗ nhỏ sẽ bị rủi ro hơn so với rừng gỗ lớn. Để lấy ngắn nuôi dài, vừa qua hợp tác xã đã tiến hành tỉa thưa 2 lần. Mặt khác, khi tuổi cây càng lớn thì sản lượng và giá trị kinh tế của cây gỗ càng cao. Hiện nay, cánh rừng gỗ lớn hiện tại giá trị thu về đạt lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Để duy trì và mở rộng diện tích rừng gỗ lớn, hợp tác xã mong rằng các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Quảng Trị được đánh giá là một trong những tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình (năm 2007). Đến nay, toàn tỉnh đã có 17.745 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC. Hiện tỉnh có 32 hợp tác xã hoạt động trên địa bàn có diện tích rừng sản xuất, có 6/24 hợp tác xã tham gia vào cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích được cấp chứng chỉ FSC là 4.500 ha.
Phát triển thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung. Qua đó, cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn cũng giảm bớt số lần khai thác và chi phí trồng lại rừng. Để gia tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp như: nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường; tăng cường vận động tuyên truyền và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung để tạo điều kiện thuận lợi khi đánh giá, cấp chứng chỉ FSC...
Liên kết chuỗi giá trị
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tiến Phong (Cam Lộ, Quảng Trị).
Tại Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tiến Phong (Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ), là đơn vị duy nhất trên địa bàn thực hiện chế biến sâu về lâm sản. Bên trong nhà máy, không khí sản xuất và chế biến diễn ra liên tục. Các mặt hàng sản xuất chủ yếu tại nhà máy chủ yếu hàng nội thất và ngoại thất ngoài trời. Thị trường hợp tác đầu ra sản phẩm như: châu Âu, Australia, Bắc Mỹ... Doanh thu bình quân hàng năm của công ty đạt 150 tỷ đồng. Thời gian qua, để đảm bảo nguồn hàng ổn định, công ty hiện đang kí kết với đơn vị trồng rừng gỗ lớn như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải.
Ông Nguyễn Anh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ cho biết, hiện công ty đang kí kết với các đơn vị trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn. Việc kí kết với vùng nguyên liệu của người dân hiện còn gặp nhiều khó khăn khi bà con chưa tập trung đầu tư các cánh rừng trồng lớn đủ tiêu chuẩn FSC. Trong thời gian tới, đơn vị mong muốn được hợp tác vùng nguyên liệu với các hộ dân trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn…
Hiện trên địa bàn Quảng Trị có 48 nhà máy kinh doanh chế biến lâm sản với công suất được cấp phép trên 2.500.000 tấn/năm, công suất đang hoạt động trên 1.300.000 tấn/năm và 126 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản được cấp phép đầu tư hoạt động, chủ yếu sản xuất ván ghép thanh, ván lạng, cưa gia công và một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất, đồ mộc dân dụng… phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Việc liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường đã tăng các giá trị theo chiều sâu của chuỗi giá trị ngành hàng. Nếu triển khai đồng bộ giữa việc liên kết sản sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm được triển khai chặt chẽ sẽ góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả các mặt hàng hóa lâm sản.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn. Tỉnh Quảng Trị là địa phương được ưu tiên lựa chọn vì địa phương hội tụ nhiều điều kiện như: đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng… để triển khai. Ngoài việc hỗ trợ bà con nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp lắp đặt nhà máy chế biến tại vùng này. Như vậy, khi liên kết được giữa vùng sản xuất với các nhà máy chế biến và thị trường thì giá trị gia tăng được tích hợp trong vùng cũng như xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững.
Thực hiện chỉ đạo, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang triển khai các mô hình trồng rừng gỗ lớn tại nhiều địa phương và Quảng Trị. Để đồng hành với người dân triển khai mô hình, trung tâm đã triển khai các dự án hỗ trợ người dân như: thực hiện các mô hình sinh kế được dưới tán rừng; nguồn giống; xây dựng vườn ươm keo nuôi cấy mô; mở các lớp tập huấn trồng rừng… để bà con làm chủ được quy trình công nghệ khi bước vào sản xuất. Tuy nhiên, để mô hình được triển khai rộng khắp cần có sự đồng hành của các cấp chính quyển địa phương và các ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân nguồn vốn vay…