Trong quý 3, ghi nhận có 17 doanh nghiệp lỗ hơn 100 tỷ đồng, chủ yếu là các công ty thép, hàng không.
Trong số các doanh nghiệp đang niêm yết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã CK: HVN) ghi nhận mức lỗ trước thuế gần 2.500 tỷ đồng, là công ty lỗ lớn nhất quý 3, luỹ kế 9 tháng HVN lỗ gần 7.600 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ đã giảm so với cùng kỳ năm 2021 khi ngành hàng không phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Quý 3/2022 cũng là quý đầu tiên kể từ đầu năm 2020, HVN có lãi gộp trở lại với 165 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, việc đồng USD lên giá vẫn khiến cho Vietnam Airlines phải chịu gánh nặng lỗ tỷ giá gần 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó là sự tăng vọt của chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khi hoạt động hàng không hồi phục trở lại. Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động SXKD của Vietnam Airlines cũng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2023.
Một doanh nghiệp hàng không khác là Bamboo Airways, chỉ lỗ lớn sau HVN với mức lỗ trước thuế quý 3 là 1.447 tỷ đồng và luỹ kế 9 tháng ước tính lỗ hơn 3.500 tỷ đồng.
Việc kinh doanh dưới giá vốn cùng với sở hữu 21,7% cổ phần của Bamboo Airways khiến FLC lỗ 787 tỷ đồng trong quý 3 và 1.888 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, đứng vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng.
Còn thép là một trong những nhóm ngành có lợi nhuận “thê thảm” nhất quý 3 với các công ty đầu ngành liên tiếp báo lỗ kỷ lục. Bất ngờ nhất là Hòa Phát (HPG) – anh cả ngành thép có lần đầu tiên báo lỗ kể từ năm 2008 với khoản lỗ trước thuế lên đến 1.300 tỷ đồng. Theo sau, nhóm các doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng gồm 6 cái tên là Hoa Sen Group (HSG), Pomina (POM), VNSteel (TVN), Thép Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á và Thép SMC (SMC).
Về cơ bản, lợi nhuận của ngành thép khá đồng pha với diễn biến của giá thép trên thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp thép đều đã đạt đỉnh lợi nhuận vào quý 2 và 3 năm ngoái, thời điểm giá thép liên tục tăng nóng và neo quanh vùng đỉnh cao chưa từng thấy. Giai đoạn đó, lợi nhuận ngành thép lên đến hàng chục nghìn tỷ trong đó riêng Hòa Phát đã có lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 tỷ lợi nhuận vào quý 3/2021 và dẫn đầu toàn sàn.
Tuy nhiên, giá thép sau đó đã hạ nhiệt và giảm mạnh. Theo dữ liệu từ Trading economics, giá thép thanh đã giảm 40% từ đỉnh qua đó rơi xuống mức thấp nhất trong vòng gần 29 tháng, thổi bay toàn bộ đà tăng giá trong năm 2021.
Tương tự, giá HRC cũng đã liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 4, đến nay đã giảm hơn một nửa và đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Ngược lại, giá than – nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất thép, vẫn đang neo cao gần đỉnh cũng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngành thép.
Các ngành xăng dầu, nông nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công nghệ góp 1 đại diện lần lượt là PV Oil (OIL), HAGL Agrico (HNG), Ngân hàng Quốc dân (NVB), Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Chứng khoán Everest (EVS). Trong đó, sau quý 2 lãi kỷ lục, OIL báo lỗ 371 tỷ đồng trong bối cảnh giá xăng giảm mạnh.