Giữa bối cảnh thị trường địa ốc đang bị bủa vây bởi những khó khăn, bất động sản công nghiệp vẫn nổi lên như một điểm sáng. Tuy nhiên, khác với thời “hỗn mang” chỉ chú trọng số lượng, dòng tiền tại phân khúc công nghiệp đang được ưu tiên chảy vào các sản phẩm xanh, được “may đo” kỹ càng.
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất thị trường bất động sản công nghiệp những ngày đầu tháng 11/2022 là việc LEGO khởi công xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương. Đây là dự án kỷ lục và nằm trong chiến lược mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng của “gã khổng lồ” đến từ Đan Mạch.
Tỷ USD và không rác thải
Nhà máy mới của LEGO dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024, tạo việc làm cho 4.500 người trong vòng 15 năm tới, 100% lao động là các nhân công địa phương có tay nghề cao, vận hành các thiết bị công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo mỗi viên lego được sản xuất có độ chính xác bằng 1/10 độ dày của một sợi tóc.
Tuy nhiên, không chỉ gây ấn tượng mạnh với những con số khổng lồ về tiền đầu tư, quy mô và việc làm được tạo ra, điều khiến giới chuyên gia đặc biệt chú ý là cam kết “phát thải bằng 0” từ nhà máy sản xuất của ông lớn Bắc Âu này.
Trong suốt 1 thập kỷ qua, trên đà tiến lên của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đã đón không ít các dự án sản xuất, ở đủ ngành nghề, với số vốn đầu tư hàng tỷ, thậm chí là hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, cam kết số 1 là “phát thải bằng 0” thì dường như là lần đầu tiên.
Cam kết của đế chế đồ chơi lớn bậc nhất thế giới cho thấy xu hướng chuyển đổi của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam từ “may sẵn” sang “may đo”, chú trọng các lĩnh vực sản xuất xanh, đang dần được hiện thực hóa. Hơn thế nữa, quá trình này cần được đẩy nhanh hơn.
Bất động sản công nghiệp xanh được "may đo" kỹ lưỡng sẽ là phân khúc được ưu tiên.
Thực tế, trong năm 2022, các dự án bất động sản công nghiệp “may đo” (tiêu chuẩn cao và xây sẵn theo nhu cầu) cũng đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các đại gia trong ngành. Riêng trong quý III/2022, theo Cushman & Wakefield, phân khúc này ghi nhận đà bứt phá mạnh mẽ.
Cụ thể, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn hiện đạt 4,3 triệu m2 sàn, giá thuê 4,6 USD mỗi m2 một tháng, tăng nhẹ 1% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn đã đạt 92% do nhu cầu thuê lớn. Trong khi đó, nhà kho xây sẵn bùng nổ mạnh hơn, vọt lên mốc hơn 4,7 triệu m2 sàn, tăng trưởng nguồn cung 30% theo năm.
Trong quý III, phân khúc này có thêm nguồn cung mới là dự án ở Bình Dương với diện tích 64.000 m2. Dù nguồn cung mới tăng đáng kể, tỷ lệ lấp đầy nhà kho vẫn ở mức ổn định, đạt 76%. Giá thuê nhà kho xây sẵn hiện nay đạt 4,4 USD mỗi m2 một tháng, tăng 9% so với cùng kỳ và là mức tăng giá cao nhất trong vòng 12 tháng qua.
Xu thế thay đổi cuộc chơi
Những diễn biến từ thực tế chứng minh xu hướng xanh được dự báo sẽ trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi toàn ngành bất động sản công nghiệp trong tương lai.
Mới đây, trong bài viết của Vnbusiness, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, trong thời gian tới, thành phố sẽ thí điểm xây dựng một khu công nghiệp sinh thái gắn với công nghệ 4.0, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngay từ khi khởi công.
Trước khi có công trình mới, thành phố sẽ tiến hành chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) - một trong những khu công nghiệp lớn nhất trên địa bàn, sang mô hình khu công nghiệp sinh thái với sự đồng hành của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).
Đáng chú ý, cùng với TP.HCM, xu hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái đang được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ… với những công trình thí điểm đáng chú ý như Trà Nóc 1, 2, Amata, Hòa Khánh và Deep C.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, cả nước hiện có 403 khu công nghiệp đang hoạt động. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 40-50% địa phương thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái; 8-10% địa phương có chủ trương xây mới các khu công nghiệp sinh thái.
Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam rõ ràng đang hội tụ đủ những thuận lợi để bùng nổ. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định Việt Nam đang nắm nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực. Đơn cử là về giá thuê trong nước hiện vẫn ở mức tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ…
Đáng chú ý, xu hướng xanh và bền vững tại các khu công nghiệp là định hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Không chỉ đem lại lợi ích về môi trường, xu hướng này chính là một lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp tại Việt Nam với các “đại bàng” trong khu vực và toàn cầu.
TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản, khẳng định các địa phương, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có trình độ. Bởi, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại các khu công nghiệp là các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm lĩnh vực thâm dụng lao động.
Trong thời gian tới, nhu cầu thuê khu công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng bởi làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn lớn rời Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Để kịp thời “dọn ổ đón đại bàng”, các doanh nghiệp trong nước và cả cơ quan quản lý cần có sự điều chỉnh để có mô hình phát triển phù hợp hơn.