Tháng 11/2022, lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu (XK) thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, mức thấp nhất kể từ Tết Nguyên đán 2022.
Thủy sản xuất khẩu bắt đầu giảm sâu từ tháng 11/2022. Ảnh: T.H
Mặc dù tháng 11 XK giảm sâu, nhưng luỹ kế từ đầu năm tới hết tháng 11/2022, XK thuỷ sản của Việt Nam đã đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 11, XK tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có mực, bạch tuộc và các loại cá biển XK vẫn giữ được tăng trưởng dương lần lượt là 9% và 6%.
Tính đến hết tháng 11, XK cá tra vẫn tăng trưởng mạnh 63% đạt gần 2,3 tỷ USD, tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14%. Cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40%, đạt 941 triệu USD. XK mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30%, đạt 704 triệu USD.
Thị trường Mỹ đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thuỷ sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. XK sang Trung Quốc - Hongkong và thị trường Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD. Thị trường EU đến cuối tháng 11 đã mang về cho thuỷ sản Việt Nam trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc mang về trên 882 triệu USD.
Khối các nước CPTPP (bao gồm cả Nhật Bản), chiếm trên 26% tổng XK thuỷ sản của Việt Nam với gần 2,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, thành tựu trên 10 tỷ USD tính đến cuối tháng 11 là kết quả của sự tăng trưởng mạnh 3 quý đầu năm, với thuận lợi nhu cầu thị trường, giá XK tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.
Tuy nhiên, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng XK đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả XK trong quý IV. Trong tháng 10, XK thuỷ sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, sang tháng 11/2022 thấp hơn hẳn 14% so với tháng 11/2021.
Dự báo, tháng 12, XK thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I năm tới gần như đình trệ.
Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.
Theo dự báo của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục khó khăn trong 2 quý đầu năm 2023, sau đó sẽ phục hồi phát triển trong nửa cuối năm. Kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu sẽ tương đương năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản nói chung và thủy sản nói riêng trong thời gian tới còn nhiều thách thức, như Trung Quốc chưa bỏ hoàn toàn chính sách "Zero Covid", đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như đồng baht của Thái Lan mất giá hơn so với đồng Việt Nam và đồng USD, nên Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn.
Các nước Liên minh châu Âu (EU) truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ rất nghiêm ngặt nên xuất khẩu viên nén gỗ từ Việt Nam sang EU vẫn còn khiêm tốn. Tiêu chuẩn viên nén của EU hiện cao hơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn để cải thiện thiết bị và công nghệ, để các sản phẩm chế biến đáp ứng được yêu cầu.