Trong bối cảnh bất động sản đang lộ dấu hiệu “xì hơi”, đứng trước nguy cơ đóng băng, cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư chờ thoát hàng đều kỳ vọng sóng hạ tầng có thể “tiếp lửa”, trở thành cú hích giúp thị trường ấm lên.
Khảo sát cho thấy, dọc trục tuyến đường Vành đai 3 chạy qua TP.Thủ Đức (TP.HCM) đang xuất hiện hàng loạt dự án bất động sản “đón sóng”, từ những thương hiệu không nhiều người biết tới đến các tên tuổi đầu ngành như Vinhomes, Novaland, CityLand, Masterise Homes...
Sức nóng từ hạ tầng
Một dự án nổi bật có thể kể đến là The Global City có quy mô lên đến hơn 117ha tại mặt đường Đỗ Xuân Hợp (phường An Phú, sát cao tốc Long Thành –TP.HCM), với đủ loại hình từ căn hộ, biệt thự, nhà phố đến shophouse...
Theo thông tin từ chủ đầu tư Masterise Homes, dự án này được chia làm 2 khu vực, gồm thấp tầng có 1.800 căn nhà phố, cao tầng có 10.000 căn hộ cao cấp. Giá bán các nhà tại đây có mức khủng, cao nhất lên đến 350 triệu đồng/m2.
Một dự án khác cũng đang đón sóng hạ tầng Vành đai 3 là MT Eastmark City do công ty Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên mặt tiền đường Trường Lưu (TP.Thủ Đức), cách tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ vài trăm mét.
Cú hích hạ tầng là niềm hy vọng giúp thị trường bất động sản có thêm hơi ấm để tan băng.
Không chỉ tại TP.HCM, các tỉnh có Vành đai 3 chạy qua là Long An, Đồng Nai, Bình Dương cũng xuất hiện nhiều dự án “ăn theo”. Điển hình, tại Biên Hòa (Đồng Nai) có dự án Aqua City, dự án Biên Hòa Universe Complex. Hay ở Thuận An (Bình Dương) có dự án Lavita Thuận An…
Chia sẻ với Vnbusiness, anh Hoàng Lâm - chủ một dự án 350 căn hộ kèm shophouse tại TP.Thủ Đức, cho hay công ty anh đang tích cực tìm kiếm quỹ đất để phát triển thêm dự án “ăn theo” Vành đai 3.
Tuy nhiên, kể từ khi thông tin tuyến đường được định hình sẽ đi qua các phường Long Bình, Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ, giá đất ở các khu vực này nhanh chóng bị thổi lên rất nhanh.
Tương tự, ở phía Bắc, sức nóng từ hạ tầng cũng đang thổi mạnh vào thị trường nhà đất Hà Nội như Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh... Đặc biệt, các đợt sốt đất “ăn theo” quy hoạch đường Vành đai 4 hay đô thị ven sông Hồng đã diễn ra từ đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), lấy dẫn chứng tại Đông Anh, khi quy hoạch đô thị ven sông Hồng được công bố, nhiều dự án bỏ hoang, không có hạ tầng nhưng giá lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, ngang ngửa các khu vực trung tâm.
Trong khi đó, tại Thường Tín, khảo sát của Batdongsan cho thấy giá đất đã tăng mạnh, có nơi vượt ngưỡng 100 triệu/m2, tăng 200% so với năm 2020. Điểm nóng đa phần rơi vào các xã vùng ven quy hoạch đường Vành đai 4, như Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình, Nhị Khê, Văn Bình, Duyên Thái…
Chờ “lối thoát hiểm”
Không chỉ thổi hơi nóng giúp các dự án của doanh nghiệp sôi động trở lại, làn sóng quy hoạch còn được kỳ vọng trở thành “lối thoát hiểm” của không ít nhà đầu tư có nhu cầu thoát hàng, thu hồi vốn trong thời gian tới.
Đơn cử, anh Lê Luân, một nhà đầu tư đang sở hữu 3 lô đất nền gần cửa khẩu Mộc Bài (đoạn qua huyện Bến Cầu (Tây Ninh), ven dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài), cho biết: “Giá đất khu vực này đang được rao ở mức 800 triệu - 1,2 tỷ đồng/lô (70 – 90m2), tôi đang mong có thể bán “chốt lời” rồi chuyển sang nơi khác sau gần 3 năm đầu tư ở đây”.
Hay như trường hợp của anh Vũ Thành Danh (Hà Nội) chia sẻ vào cuối năm 2020, anh rót hơn 4 tỷ đồng mua 2 lô đất liền kề ven tuyến đường số 28, nằm trong khu đô thị trung tâm TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Dù mua vào lúc sốt đất nhưng với mặt bằng giá hiện tại, nếu bán được, anh Danh sẽ có lãi chênh khoảng hơn 1 tỷ đồng. Nhưng vấn đề hiện tại của anh là không thể bán được để “chốt lời”.
Trước áp lực thu hồi vốn để tái đầu tư, anh Danh cho biết đang “ngóng” thời điểm đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt. Đây không chỉ là niềm hy vọng của nhà đầu tư mà được kỳ vọng sẽ là “cú hích” mới cho mảng bất động sản Nha Trang.
Có thể thấy, trong bối cảnh đầu tư công, nâng cấp hạ tầng kết nối, cải thiện tiện ích khu vực đang được đẩy mạnh, sóng quy hoạch được kỳ vọng trở thành cú hích cho thị trường bất động sản, mở ra cơ hội thoát hàng cho nhà đầu tư.
Thực tế cũng chỉ ra giá đất ở nhiều vùng quy hoạch đang có chiều hướng tăng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, không ít môi giới hoặc những người muốn bán đã tung tin nóng, gây sốt ảo.
Vì vậy, với những người có nhu cầu mua vào, các chuyên gia khuyến nghị nên thận trọng. Không chỉ với các quy hoạch là “bánh vẽ”, mà ngay cả với những quy hoạch đã công bố vẫn có thể có sự chỉnh sửa để phù hợp.
“Nếu cứ mua bán lòng vòng làm tăng giá đất rất có khả năng nhà đầu tư gặp phải rủi ro khi mua trúng đất quy hoạch công viên, cây xanh. Đơn cử, như theo đồ án quy hoạch ven sông Hồng, tỷ lệ cây xanh chiếm trên 30% nên nhà đầu tư cần hết sức thận trọng”, Phó Chủ tịch VNRea Nguyễn Văn Đính khuyến cáo.