Năm nay, ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Đồng Nai sẽ đạt gần 4,5 tỷ USD và kế hoạch năm sau gần 5 tỷ USD. Với tình hình kinh tế thế giới đang suy giảm, lạm phát tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khó tăng hơn nữa.
Công nghiệp sẽ là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nếu Đồng Nai nhanh chóng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Trong ảnh: Một khu nhà xưởng trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Giang
Theo UBND tỉnh, năm 2022, kế hoạch của tỉnh là tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối năm chỉ tiêu trên đã vượt khoảng 5,8 ngàn tỷ đồng. Do đó, Đồng Nai kỳ vọng vào nửa cuối năm 2023, kinh tế có những đột phá thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, người dân bỏ vốn ra đầu tư.
* Chống đỡ làn sóng suy giảm mới
Các chuyên gia trong nước, trên thế giới đều dự báo, đầu năm 2023, các nước sẽ tiếp tục chống đỡ với “làn sóng” suy giảm mới và khả năng còn khó khăn hơn so với hiện tại. Mọi năm, vào thời điểm này đang là cao điểm của mùa sản xuất cuối năm và đơn hàng khá dồi dào, nhưng năm nay nhiều ngành hàng chỉ còn duy trì sản xuất được 50-70% so với cùng kỳ năm trước. Những ngành chịu tác động lớn nhất là dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ.
Tại Đồng Nai, hiện đã có cả trăm DN thông báo cho người lao động nghỉ việc không lương khoảng 1-3 ngày/tuần, vì đơn hàng còn rất ít. Một số DN dự tính sẽ cho công nhân nghỉ Tết từ 1-1,5 tháng để đợi đơn hàng. Dù chỉ còn gần 2 tuần nữa sẽ kết thúc năm 2022, nhưng nhiều DN vẫn chưa hoặc chỉ nhận được rất ít đơn hàng cho năm 2023. Như vậy, mùa sản xuất đầu năm tới sẽ tương đối ảm đạm và kéo theo các lĩnh vực khác cũng tiếp tục suy giảm. DN, người dân sẽ tính toán kỹ hơn trong bỏ tiền ra đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Kim Minh (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các loại bánh tráng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm trước, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng đơn hàng của công ty vào cuối năm tăng gấp 2 lần, nhưng năm nay còn rất ít. Thị trường trong nước cũng bị thu hẹp nên công ty tạm dừng việc đầu tư mở rộng nhà xưởng và mua máy móc để tăng công suất theo kế hoạch”.
Do đơn hàng giảm nên các DN đều cân nhắc hạn chế đầu tư nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, bỏ vốn kinh doanh. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến huy động tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đầu năm 2023. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản lâu nay luôn có dòng vốn lớn bỏ ra đầu tư tại Đồng Nai cũng sẽ chững lại vì hầu hết các DN đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn vay.
* Kỳ vọng nửa cuối năm 2023
Các DN đều đang kỳ vọng vào đầu hoặc giữa quý II-2023, kinh tế toàn cầu sẽ thoát khỏi tình trạng suy giảm và bắt đầu phục hồi. Nếu mọi việc diễn ra như dự báo, nửa cuối năm sau sẽ là thời kỳ các DN “tăng tốc” cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các đơn đặt hàng của đối tác. Sản xuất công nghiệp là “xương sống” của kinh tế Đồng Nai nên phục hồi tốt sẽ kéo theo thương mại dịch vụ, logistics… cùng phát triển. Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển ổn định tạo ra việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Có công việc, thu nhập cao, người dân sẽ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, những vướng mắc của các công trình, dự án nếu được tháo gỡ hoặc đẩy nhanh thủ tục để DN có thể bỏ vốn ra đầu tư. Đơn cử, các dự án về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đang được nhiều DN trong và ngoài tỉnh tìm hiểu với dự kiến sẽ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn gặp những vướng mắc về thủ tục nên chưa thể tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nếu đầu năm 2023, thủ tục hoàn thành và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn lớn đầu tư vào lĩnh vực trên.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam cho biết: “Đồng Nai là nơi có nhiều DN muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản về nhà ở, công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch. Do đó, tỉnh hỗ trợ DN giải quyết nhanh các hồ sơ thủ tục về đầu tư sẽ đón được dòng vốn lớn vào các dự án. Các dự án có vốn lớn, DN có thể liên kết cùng triển khai vì bất động sản tại Đồng Nai luôn được khách hàng chú ý”.
Dịp cuối năm 2022, các DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc… đã đến Đồng Nai để tìm hiệu cơ hội hợp tác, triển khai dự án về công nghiệp, năng lượng tái tạo, thương mại dịch vụ, logistics, công nghệ thông tin. Vì thế, Đồng Nai có thể sẽ thu hút dòng vốn ngoại lớn khi những vướng mắc về thủ tục, đất đai được khơi thông. Cụ thể, nhiều DN nước ngoài vẫn đang chờ đợi tỉnh có quỹ đất công nghiệp lớn cho thuê để họ xây dựng nhà máy sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định: “Kinh tế có thể còn khó khăn kéo dài đến giữa năm 2023, từ đầu năm, các sở, ngành, địa phương triển khai ngay các giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cam kết với DN sẽ luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để DN hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai cho nhiều dự án để DN có thể đẩy nhanh tiến độ”.