• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 11:11:57 CH - Mở cửa
Hưng Yên tạo động lực mới cho tái cơ cấu nông nghiệp
Nguồn tin: Vietnam+ | 22/12/2022 7:30:00 CH
Tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao.
 
Tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Từ đó, tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
 
https://fireant.vn/home
 
* Nâng chất cho sản xuất nông nghiệp
 
Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh Hưng Yên năm 2022 ước tăng trưởng 2,5% so với năm 2021, giá trị thu được trên một hécta canh tác đạt 230 triệu đồng. Đó là kết quả của những chính sách được triển khai rộng rãi trong thời gian qua như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
 
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Hưng Yên được "giải phóng" sức lao động nhờ áp dụng phương pháp mạ khay cấy máy. Phương pháp này đang giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất rất lớn, tiết kiệm được giống, đặc biệt là ít tốn nhân công.
 
Theo tính toán của các hộ nông dân, chi phí 1 sào Bắc Bộ (360m2) với lúa tẻ là 250 nghìn đồng, lúa nếp là 280 nghìn đồng. Trong khi đó, nếu thuê lao động phải mất khoảng 400 nghìn đồng/sào. Như vậy, chi phí thuê máy cấy chỉ bằng 2/3 so với phương pháp thủ công. Không những thế, phương pháp này rất thuận tiện cho việc chăm sóc và lúa ít bị sâu bệnh.
 
Ông Phạm Huy Thái, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, khi sử dụng mạ khay, cấy máy sẽ cấy được diện tích lớn trong một thời gian ngắn; 1 máy 1 ngày có thể cấy được diện tích bằng 70 người làm thủ công. Như vậy, không chỉ giảm chi phí sản xuất, việc áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy còn góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
 
Ngoài ra, với phương pháp này, chất lượng mạ tốt hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa mà năng suất không đổi. Đồng thời, lúa cấy bằng máy nông và thưa nên khả năng đẻ nhánh của cây lúa khỏe, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh. Từ đó, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn. Áp dụng phương pháp này cũng sẽ giúp bà con đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa theo hướng hàng hoá.
 
Bên cạnh áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua nhiều nông dân ở Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Thuý ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam. Đến nay, cây cam là nguồn thu chính của gia đình anh với lợi nhuận khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
 
Trang trại tổng hợp của anh Vũ Văn Thiêm ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ từng là cánh đồng đất phèn chua, cấy lúa cho năng suất thấp. Anh Thiêm đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng cây. Với 600 gốc bưởi và 2 mẫu ao thả cá, mỗi năm anh Thiêm thu về gần 500 triệu đồng, lợi nhuận gấp nhiều lần so với cấy lúa thông thường.
 
 
Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh Hưng Yên năm 2022 ước tăng trưởng 2,5% so với năm 2021. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
 
Năm 2022, toàn tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi được 940 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác, nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn, đạt 100% kế hoạch, nâng tổng diện tích đất đã chuyển đổi lên 18.990 ha. Cây trồng lâu năm phát triển tốt, sản lượng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, nhãn đạt khoảng gần 50.000 tấn, tăng 16,9%, vải đạt trên 15.000 tấn, tăng 22,1%, cam đạt trên 35.000 tấn, tăng 0,2%. Ước tính đàn trâu tăng 4,4%, đàn bò tăng 2,1%, đàn lợn tăng 2,4%; đàn gia cầm giảm 0,03%. Chất lượng con giống được nâng cao theo hướng năng suất, chất lượng.
 
* Tạo thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới
 
Lĩnh vực nông nghiệp tại Hưng Yên những năm gần đây tiếp tục phát triển theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tạo sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tạo thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu luôn được tỉnh Hưng Yên chú trọng. Việc tuyên tuyền, vận động được tập trung chỉ đạo với những nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Nhiều mô hình, cách làm chủ động, sáng tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ nhân dân để đầu tư xây dựng nông thôn mới.
 
Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có thêm 15 khu dân cư được công nhận khu dân cư kiểu mẫu, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số lên 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thành lập mới được 21 hợp tác xã và 17 tổ hợp tác, duy trì 180 liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đánh giá, xếp hạng được 30-40 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
 
Trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023, tỉnh Hưng Yên tiếp tục rà soát, bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Tỉnh chú trọng phát triển sản xuất trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu chuyển đổi 940ha các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, năm 2023, tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và cộng đồng trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình, dự án trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu năm 2023 trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm ít nhất 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
 
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa,  nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng cường nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất; ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm./.