• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 9:40:09 CH - Mở cửa
Tăng quỹ đất phát triển giao thông đô thị Biên Hòa
Nguồn tin: Báo Đồng Nai | 24/12/2022 12:10:00 CH
Để giảm tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng giao thông tại đô thị, Biên Hòa cần có các giải pháp đột phá để tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông.
 
* Nâng quỹ đất phát triển giao thông
 
Quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang là thực trạng chung của các đô thị trên cả nước hiện nay. Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng việc quy hoạch quỹ đất, nguồn vốn bố trí để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông tại các đô thị lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị đang diễn ra ngày một căng thẳng hơn.
 
TP.Biên Hòa là đô thị trực thuộc tỉnh có dân số lớn nhất cả nước. Biên Hòa cũng là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học lớn. Điều này gây sức ép lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của đô thị Biên Hòa. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe tại đô thị Biên Hòa vì vậy diễn ra ngày một “nóng” hơn.
 
Trên thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông tại đô thị Biên Hòa đang tỏ ra ngày càng hụt hơi so với tốc độ gia tăng dân số cũng như đô thị hóa. Phát biểu tại buổi làm việc để nghe góp ý về đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh vào cuối tháng 9 vừa qua, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, các tuyến đường trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện nay hầu hết đều không đảm bảo cho lưu lượng các phương tiện lưu thông. “Hạ tầng giao thông trong đô thị Biên Hòa là đang quá nhỏ so với một đô thị loại I với dân số khoảng 1,3 triệu dân. TP.Biên Hòa đang thiếu các tuyến đường trục giao thông để giải quyết bài toán giao thông đô thị” - ông Hồ Văn Hà nhận định.
 
Trên thực tế, không chỉ riêng đô thị Biên Hòa mà các đô thị khác trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước, hệ thống hạ tầng giao thông đều đang phải đối mặt với tình trạng hụt hơi, quá tải. Một phần nguyên nhân của thực trạng này đến từ việc quỹ đất phục vụ nhu cầu giao thông còn hạn chế. Tại các đô thị hiện nay, tỷ lệ đất giao thông đều đang ở mức dưới chuẩn.
 
Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 06-NQ/TW (ngày 24-1-2022) của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị trong thời gian tới. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16%. Con số này sẽ tăng lên mức 16-26% vào năm 2030.
 
* Ưu tiên cho các dự án hạ tầng giao thông
 
Với mật độ dân số đông, việc mở rộng các tuyến đường hiện hữu, mở thêm các tuyến đường mới trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện nay là bài toán rất khó khăn do chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng rất cao. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán giao thông đô thị, việc mở rộng các tuyến đường cũ, xây dựng thêm các tuyến đường mới là rất cấp bách.
 
Thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai bước đầu tạo ra hiệu quả trong việc giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Biên Hòa như: dự án Nút giao Tân Phong, các cầu vượt trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thành phố… Tuy nhiên, so với nhu cầu, số lượng các dự án hạ tầng đã và đang được triển khai thực hiện còn khá hạn chế.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, trong thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Biên Hòa lần này, phải tính toán, bố trí quỹ đất để xây dựng thêm các tuyến đường mới “gánh vác” lưu lượng phương tiện giao thông cho các tuyến đường hiện hữu.
 
Giữa phương án mở rộng các tuyến đường cũ và mở thêm các tuyến đường mới cần tính toán rõ bài toán kinh tế để đưa vào quy hoạch thực hiện. Phương án nào phù hợp hơn thì lựa chọn.
 
Cùng với việc tăng tỷ lệ đất giao thông, việc đa dạng hóa các hình thức giao thông cũng là phương án để giải quyết tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông đối với đô thị Biên Hòa.
 
Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình nhấn mạnh, đô thị Biên Hòa lớn nên không thể thiếu hệ thống đường sắt.
 
Là đô thị lớn, đông dân, TP.Biên Hòa sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt quỹ đất để phát triển các công trình công cộng, trong đó có các công trình hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh đó, việc quy hoạch và khai thác không gian ngầm phục vụ giao thông được xem là một trong những đáp án cho bài toán này.
 
Lâu nay, không chỉ Biên Hòa mà phần lớn các đô thị trong cả nước, việc phát triển đô thị đang chủ yếu tập trung khai thác không gian mặt đất và trên không. Tuy nhiên, khi tốc độ đô thi hóa diễn ra nhanh, dân số đông, quỹ đất để phát triển các công trình gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, không gian ngầm đô thị Biên Hòa gần như chưa được khai thác nhiều.
 
Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho biết, việc khai thác không gian ngầm là xu hướng tương đối phổ biến và hiệu quả trong phát triển đô thị trên thế giới. Ngay như trong khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã khai thác và phát triển mạnh không gian ngầm đô thị như: Singapore, Thái Lan. “Khai thác không gian ngầm dưới lòng đất không gây hao tổn diện tích đất nên rất phù hợp với các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất phát triển đô thị ngày càng hạn hẹp” - kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương chia sẻ.
 
Chia sẻ về việc không gian ngầm đô thị đang được khai thác rất hạn chế, ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị Biên Hòa cho rằng, để phát triển không gian ngầm đô thi, trước hết đô thị phải phát triển được hệ thống tàu điện ngầm (metro). Từ hệ thống metro, các nhà ga sẽ tạo ra tiền đề để khai thác, phát triển các công trình phục vụ văn hóa, thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay, Biên Hòa vẫn chưa phát triển hệ thống metro nên việc khai thác không gian ngầm đô thị vẫn còn hạn chế.
 
Cũng theo ông Trương Vĩnh Hiệp, đến thời điểm này, trong các quy hoạch, đô thị Biên Hòa vẫn chưa có quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị theo hướng khai thác, phát triển toàn diện, đa dạng không gian ngầm.
 
Theo Giám đốc Sở Xây dựng HỒ VĂN HÀ, hiện nay, Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất việc sử dụng sân bay Biên Hòa vào mục đích lưỡng dụng cả quân sự và dân sự. Do đó, nếu sân bay Biên Hòa được sử dụng chung thì phải tính toán đến việc lưu lượng phương tiên giao thông sẽ tăng cao để có phương án phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.