Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thế nhưng, ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và vươn lên trở thành “điểm sáng” của cả nước về lượng khách du lịch. Để làm rõ hơn cơ sở cho sự “bứt tốc” của ngành du lịch trong năm 2022, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Khu Du lịch biển Sầm Sơn đón hàng triệu lượt du khách trong năm 2022.
PV: Thưa ông, COVID-19 đã tạo ra “cú sốc" lớn chưa từng có cho ngành du lịch. Tuy nhiên, nhìn vào những kết quả nổi bật mà ngành đạt được trong năm 2022, có thể nói du lịch Thanh Hóa đã vượt qua cú sốc này. Vậy, xin ông cho biết những cơ sở để đạt được thành quả ấy?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Năm 2022, du lịch Thanh Hóa đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh đón trên 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; tổng thu du lịch đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021 và đạt 111,8% kế hoạch.
Để đạt được kết quả trên, trước hết cần phải khẳng định rằng, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp trong bối cảnh bình thường mới. Đồng thời, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực cho công tác tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; chuẩn bị tốt các điều kiện về an ninh, an toàn, nhân lực, vật lực để sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch ngay sau khi “mở cửa” trở lại. Về phía các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động, tích cực đầu tư, làm mới sản phẩm, dịch vụ, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Đặc biệt là sự thành công của hơn 50 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, góp phần không nhỏ vào việc thu hút lượng lớn Nhân dân và khách du lịch.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan nêu trên, ngành du lịch còn có những thuận lợi về mặt khách quan, như: Nhu cầu đi du lịch của người dân tăng mạnh sau hơn hai năm bị gián đoạn bởi COVID-19; thời tiết thuận lợi và sản phẩm du lịch của tỉnh đa dạng, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài tỉnh...
PV: Có ý kiến cho rằng, dịch COVID-19 cũng là cơ hội để tái cấu trúc ngành du lịch, từ công tác xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp… Vậy, kể từ khi du lịch mở cửa trở lại đến nay, ngành du lịch Thanh Hóa đã có những thay đổi như thế nào để tái cấu trúc nhằm thích ứng với những biến động bất thường có thể xảy ra, thưa ông?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Đại dịch COVID-19 như một phép thử cho ngành du lịch. Nhìn nhận một cách khách quan thì đây cũng là dịp để biến “nguy” thành “cơ”, là cơ hội để cơ cấu lại ngành du lịch. Theo đó, ngành du lịch đã chú trọng đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến. Cụ thể, ưu tiên đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá, như: Thí điểm ứng dụng triển khai số hóa với tính năng dẫn đường và chỉ dẫn hiện vật cho khách tham quan tại khu, điểm du lịch bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường tại 8 khu, điểm du lịch: Lam Kinh (Thọ Xuân), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), Pù Luông (Bá Thước), thác Mây (Thạch Thành), bản Mạ (Thường Xuân), đền Sòng (Bỉm Sơn); thắng cảnh Tiên Sơn (Vĩnh Lộc); đầu tư hệ thống thuyết minh tự động tại Lam Kinh, Thành Nhà Hồ. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Thanh Hóa trên các kênh báo chí Trung ương và địa phương…; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu du lịch Thanh Hóa trên facebook, youtube, tiktok “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” để tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng.
Khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 cũng đã thay đổi nhu cầu của khách du lịch. Theo đó, khách du lịch sẽ chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, hạn chế tiếp xúc đông người; nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng; xu hướng đi du lịch gần, linh hoạt hơn trước… Nắm bắt được xu thế này, bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các gói kích cầu, giảm giá, ngành đã tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Cùng với đó là sự thay đổi trong tư duy quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tuyên truyền, định hướng cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, giao dịch online, thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt); giới thiệu, chào bán dịch vụ trên môi trường mạng…
PV: Thưa ông, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, song khách quan nhìn nhận, du lịch Thanh Hóa vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Vậy, để khắc phục những hạn chế này nhằm tạo tiền đề thúc đẩy du lịch tăng trưởng và đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2023, xin ông cho biết những giải pháp nào sẽ được triển khai trong thời gian tới?
Ông Phạm Nguyên Hồng: Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, ngành đã, đang tập trung duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, duy trì các điều kiện đón, tiếp khách du lịch an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện. Chủ động thích ứng với những diễn biến bất thường của các yếu tố khách quan tác động đến sự phát triển của ngành du lịch. Đồng thời, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Trong đó tập trung phát triển các dòng sản phẩm cao cấp, sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng, văn hóa - lịch sử nhằm giảm thiểu tính thời vụ của du lịch Thanh Hóa. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Tăng cường thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, sớm hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chất lượng cao; chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa; tổ chức chiến dịch quảng bá với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Đồng thời, đẩy nhanh chuyển đổi số trong quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Thanh Hóa thông qua các sự kiện trong và ngoài nước; trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng số và tại các cảng hàng không. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; tập trung quản lý dịch vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch; kiểm soát việc công khai giá dịch vụ theo quy định và bán đúng giá niêm yết.
Xin trân trọng cảm ơn ông!