Để nâng cao chất lượng các điểm đến, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các nhà cổ, các hộ làng nghề nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; mở thêm các tour, tuyến du lịch mới hấp dẫn du khách.
Du khách quốc tế tham quan sông nước Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Trong năm 2022, Tiền Giang có nhiều giải pháp tích cực nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.
Toàn tỉnh đã đón 870.000 lượt du khách, đạt 97% kế hoạch năm. Đây là cơ sở để tỉnh đặt ra mục tiêu trong năm 2023 phấn đấu đón 1,25 triệu lượt du khách.
Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh xây dựng lộ trình, giải pháp phục hồi hoạt động du lịch theo từng bước cụ thể, phù hợp điều kiện thích ứng an toàn COVID-19 với nguyên tắc “An toàn tới đâu mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn.” Tỉnh xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn, vừa chủ động kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng.
Công tác xúc tiến du lịch được địa phương rất coi trọng nhằm tăng cường truyền thông, quảng bá Tiền Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách. Tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch, tổ chức các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch như Lễ hội Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Tiền Giang, Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Văn hóa-Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp.
Tiền Giang phối hợp các tỉnh, thành phố trong Cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia các sự kiện du lịch được tổ chức trong năm như Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long…
Cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch được tỉnh kiện toàn, nâng chất, đáp ứng nhu cầu du khách. Hiện nay, Tiền Giang có 46 khu, điểm tham quan du lịch; 316 cơ sở lưu trú với 4.454 phòng đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch, 65 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành…
Để nâng cao chất lượng các điểm đến, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các nhà cổ, các hộ làng nghề nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; mở thêm các tour, tuyến du lịch mới hấp dẫn du khách. Việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống được gắn với hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch như làng nghề Bánh phồng Cái Bè, làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định, làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công...
Mời gọi đầu tư phát triển du lịch được tỉnh đặc biệt chú trọng trong nỗ lực khai thác, phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói.” Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông, giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng vốn đăng ký 3.162 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh thu hút đầu tư phát triển 4 cụm du lịch trọng điểm là Khu Du lịch Cái Bè, Khu Du lịch cù lao Thới Sơn, Khu Du lịch biển Tân Thành và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn, hấp dẫn và các dự án về bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử…
Tỉnh mời gọi đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp, nâng cấp cải tạo các cơ sở lưu trú hiện có, phát triển mô hình du lịch nghỉ đêm tại nhà dân ở cù lao Thới Sơn, cù lao Ngũ Hiệp, cù lao Tân Phong, Khu du lịch Cái Bè... nhằm đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch./.