Trên địa bàn Hải Phòng có khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics; trong đó, chỉ có khoảng trên 100 doanh nghiệp có quy mô vừa và hoạt động tích cực trong lĩnh vực logistics.
Thành phố Hải Phòng hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics (dịch vụ hậu cần) của khu vực, nhằm phục vụ yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội không chi của thành phố mà cả khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
* Lợi thế ngành dịch vụ truyền thống
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đánh giá, năm 2022, các ngành dịch vụ truyền thống, có lợi thế như cảng biển, dịch vụ logistics đã có những bước phát triển mạnh mẽ; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố đạt khoảng 20-23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố đạt từ 13-15%.
Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng
Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh, chiếm thị phần lớn trong hệ thống cảng biển của cả nước. Hạ tầng cảng biển được nâng cấp và đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế; hệ thống giao thông kết nối được cải thiện, đồng bộ hơn.
Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đưa vào khai thác bến số 1, số 2 từ năm 2018, phát huy vai trò là một cảng nước sâu, cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế và khu vực; thành phố đang đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng và khởi công các bến tiếp theo, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ lớn và hiện đại, xứng đáng là một trọng điểm kinh tế của cả nước, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và tham gia vào chuỗi các cảng biển quốc tế và khu vực.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 diễn ra cuối tháng 11/2022 tại Hải Phòng. Ảnh: TTXVN
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 diễn ra cuối tháng 11/2022 tại Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ, có vai trò quan trọng trong kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử phát triển nhanh, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics.
Nhận thức được vấn đề đó, nhiều năm qua Chính phủ đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách khắc phục khó khăn, thúc đẩy logistics phát triển. Với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng duy trì được mức tăng trưởng đáng ghi nhận.
* Còn đó thách thức
Theo Phó Giáo sư.Tiến sĩ Đan Đức Hiệp, Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng, địa bàn Hải Phòng hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics; trong đó, chỉ có khoảng trên 100 doanh nghiệp có quy mô vừa và hoạt động tích cực trong lĩnh vực logistics.
Từ thực tế hoạt động logistics tại Hải Phòng vẫn còn tồn tại những hạn chế như: phần lớn sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng tiếp tục được lưu chuyển bằng đường bộ, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông; phương thức vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy nội địa còn yếu; doanh nghiệp logistics trên địa bàn tuy đông về số lượng nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chiếm thị phần thấp.
Thêm nữa là bài toán thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Nguồn nhân lực logistics tại các doanh nghiệp logistics và sản xuất của Hải Phòng luôn trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là nhân viên kinh doanh logistics, nhân viên công nghệ thông tin logistics và điều phối khai thác vận tải, kho hàng.
Đồng thời, hầu hết lao động của các doanh nghiệp đều thiếu hụt kiến thức và kỹ năng logistics. Đây sẽ là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành trong giai đoạn tới.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới. Các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng số hóa và cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại.
Trong khi hầu như các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính, công nghệ khiêm tốn, thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế nên chưa có cơ hội vươn ra thị trường có nhu cầu lớn. Nếu chỉ cung cấp các dịch vụ kho vận đơn giản, thuần túy mà không tích hợp chúng thành quá trình, chuỗi dịch vụ, người cung ứng dịch vụ khó có thể thỏa mãn khách hàng về mặt chi phí cũng như tính đáp ứng nhanh của nhu cầu xuất, nhập khẩu.
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với các cường quốc, khu vực kinh tế chủ chốt trên thế giới với các cam kết mở cửa thị trường vận tải, sức ép đến từ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài cho ngành dịch vụ logistics theo thời gian sẽ ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn, yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, với việc ngày càng nhiều quốc gia hướng người tiêu dùng và các doanh nghiệp hành động vì môi trường, chuỗi cung ứng và hoạt động logistics cần phải thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.
Điều này đặt ra thách thức với doanh nghiệp logistics trong việc nỗ lực xanh hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ...
* Giải pháp cốt lõi
Theo ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị/CEO Bee Logistics Corporation, cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi logistics không phải là một chủ đề mới nhưng vẫn là bài toán khó đối với cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.
Trên góc độ doanh nghiệp nhìn vào định hướng cải cách quản lý, chúng ta đã từng nói rất nhiều về thực trạng và giải pháp, trong đó xoay quanh các giải pháp cốt lõi về nhân lực, vật lực, tài chính, cơ chế chính sách và công nghệ.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng, mọi sáng kiến cải cách cần được triển khai và đi vào thực chất, chứ không nên mang tính cơ học, với mục tiêu là cắt giảm chi phí, thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đó, hướng tới mục tiêu lớn hơn là cắt giảm tổng chi phí của chuỗi dịch vụ logistics, tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh về logistics cho địa phương và cho quốc gia.
Ông Lê Mạnh Cương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Logistics và Khai thác Cảng Lokaport (LKP) chia sẻ, LKP là đơn vị chuyên hợp tác đầu tư vận hành khai thác chuỗi dịch vụ logistics đa phương thức vận chuyển hàng container bằng sà lan thông qua hệ thống các cảng thủy nội địa tại phía Bắc Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy loại hình dịch vụ vận chuyển container bằng đường thủy tại phía Bắc để giảm tải cho vận tải đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, LKP đề nghị các hiệp hội, Cục Đường thủy nội địa có ý kiến đề nghị lên các cấp, bộ, ban, ngành và UBND thành phố Hải Phòng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và xây dựng một cơ chế đặc thù riêng đối với vận tải mặt hàng container bằng sà lan từ khu vực Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang cho rằng, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định "đến năm 2025, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia" và "đến năm 2030, thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao", đây là mục tiêu đồng thời là nhiệm vụ lớn đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong thời gian tới.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 45, thành phố Hải Phòng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics; Tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng.
Thành phố quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh.
Đồng thời, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng như các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các địa phương; nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics./.