Thị trường chứng khoán đang đưa ra những tín hiệu cho thấy sắp bước vào một "con sóng" lớn trong dài hạn. Để không phải hối tiếc, nhà đầu tư nên tập trung “giải ngân” ngay từ bây giờ khi thị trường mới chỉ ở chân sóng, cùng mức định giá các nhóm ngành còn khá rẻ, mang tới nhiều lựa chọn.
Mặc dù các chính sách đang đi theo hướng nhẹ nhàng hơn, nhưng đà suy giảm kinh tế vẫn đang diễn ra, đặc biệt ở châu Âu đều được dự báo sẽ suy giảm. Điều này cho thấy bối cảnh bên ngoài của kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ khó khăn hơn.
“Xuống tiền” từ bây giờ
Trong nước, các chỉ tiêu chính của Việt Nam cũng đang ở mức độ khá tốt, nhưng những vấn đề liên quan đến tỷ giá, lãi suất gia tăng, lạm phát cũng ở mức khá cao so với các năm, liên quan đến thị trường trái phiếu, bất động sản… đều là những thách thức đang gặp phải.
Nhà đầu tư nên tập trung “giải ngân” ngay từ bây giờ khi thị trường mới chỉ ở chân sóng.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, điều quan trọng nhất là Việt Nam vẫn có những nguồn lực về chính sách, đang có những xoay chuyển chính sách và lắng nghe thêm ý kiến của thị trường để đưa ra những điều chỉnh phù hợp, có thể đưa nền kinh tế tăng trưởng ở mức độ tương đối tốt vào năm sau. Do đó, những mục tiêu chính như GDP tăng trưởng khoảng 6,5% hay mức lạm phát kiềm chế ở dưới 4,5% thì khả năng có thể thực hiện được vào năm 2023.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) thường diễn biến nhanh hơn diễn biến thực trên nền kinh tế khá nhiều. Khi giữa năm, gần như rất tốt về mặt vĩ mô thì TTCK giảm điểm rất lớn. Còn bây giờ ngược lại, khi bắt đầu nhận thấy những khó khăn về kinh tế vĩ mô thì TTCK lại tạo đáy trước và có sự phục hồi. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài đang phát tín hiệu trở lại TTCK Việt Nam một cách mạnh mẽ.
Hơn nữa, mức định giá P/E dưới 10 lần hiện nay được cho là cơ hội “10 năm có một” để đầu tư dài hạn, bởi trong lịch sử TTCK Việt Nam mới có 3 lần định giá hấp dẫn như vậy. Hai lần trước vào thời kỳ khủng hoảng 2010 - 2011 và thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 đầu năm 2020.
Theo ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp tốp đầu các ngành đều đang có định giá rất rẻ, thậm chí thấp hơn giá trị sổ sách, trong khi doanh nghiệp có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lên tới 15 - 20%. So sánh với lãi suất tiết kiệm khoảng 10%/năm, thì cổ phiếu các doanh nghiệp đó rất hấp dẫn.
“Thời điểm tốt nhất để đầu tư là ngay bây giờ. Đầu tư vào giai đoạn rẻ thế này thì cơ hội chiến thắng của nhà đầu tư sẽ rất cao”, ông Duy Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT đánh giá, đây có thể là một cơ hội lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 năm tiếp theo.
Mặc dù vậy, rủi ro của thị trường vẫn còn và để giải quyết được câu chuyện thì phải có dòng tiền, muốn vậy phải xử lý vấn đề thanh khoản trái phiếu.
“Khi bài toán về thanh khoản được giải quyết triệt để, những người ở lại sẽ có được thành quả lớn”, ông Tuấn nói.
Trong một chia sẻ mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho biết đã bắt đầu mua vào cổ phiếu, bởi “nếu không mua, 4 - 5 tháng sau có lẽ sẽ hối hận”, ông nói.
Nhóm ngành triển vọng
Thực tế, trong giai đoạn hiện tại, TTCK đang có sự phục hồi tương đối từ đáy, nhưng vẫn chưa đáng kể lắm và mức định giá vẫn là một mức khá hấp dẫn cho những nhà đầu tư mà kiên trì với mục tiêu đầu tư dài hạn. Và thông thường, những đợt đầu tiên của phục hồi thì mức độ tăng đồng đều của các mã rất lớn, vì đa số các mã đều bị rơi vào trạng thái quá bán, khi bật lại sẽ rất nhanh. Sau giai đoạn này sẽ là giai đoạn phân hóa hơn nhiều, nhà đầu tư sẽ bình tâm hơn và suy nghĩ lại về chiến lược đầu tư trong vòng thời gian 1 năm, 2 năm, 3 năm hay chỉ mua bán cổ phiếu trong thời gian ngắn hạn.
Các chuyên gia cho rằng, những nhóm sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư sẽ là những cổ phiếu của doanh nghiệp thiên về sản xuất nhiều hơn. Đó là những ngành kỳ vọng tương đối tốt vào năm 2023 và vẫn tăng trưởng khá ổn định, đang có mức định giá khá tốt. Có thể kể đến như công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, bán lẻ.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có những câu chuyện tăng trưởng riêng cũng được nhà đầu tư lựa chọn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt mô hình kinh doanh, hay những doanh nghiệp ít sử dụng vay nợ, có những sự thay đổi về mặt chiến lược hay là có những thị trường mới.
Ngoài lựa chọn nhóm ngành hưởng lợi, định giá hấp dẫn thì năng lực và uy tín của ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng là tiêu chí mà nhà đầu tư cần tham khảo. Ví dụ, trong các chu kỳ khủng hoảng trước đây, ban lãnh đạo đó đã đưa doanh nghiệp vượt qua ra sao?
Chia sẻ về quan điểm riêng của mình về nhóm ngành triển vọng, chuyên gia đến từ VCBF cho biết nhóm sản xuất, xuất khẩu, công nghệ là những nhóm ngành mà ông yêu thích.
Trong khi đó, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Maybank Investment Banking nhìn nhận, Việt Nam là thị trường 100 triệu dân, dân số trẻ nên ngành tiêu dùng, dịch vụ tài chính và bất động sản sẽ có tiềm năng lớn. Ngoài ra, sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào Việt Nam đã kích thích đầu tư công để tạo ra hạ tầng, từ đó nhóm khu công nghiệp, logistics, sắt thép trở nên triển vọng hơn.
Đặc biệt, theo ý kiến của ông Đặng Trần Phục, Nhà sáng lập Công ty tư vấn đầu tư vận dụng mô hình tích sản cổ phiếu AZFin, tích sản cổ phiếu cần chọn doanh nghiệp phát triển bền vững, cụ thể là nên chọn ít nhất 1 cổ phiếu ESG trong danh mục đầu tư. Bởi những con số cho thấy, các doanh nghiệp thực hành tốt ESG không còn bị đánh giá mơ hồ về giá trị mà được hiện thực hóa bằng những khoản đầu tư đáng giá. Nhiều doanh nghiệp đã định hướng lại hoạt động kinh doanh nhằm tạo ra giá trị bền vững từ môi trường, sự gắn kết của nhân viên, quan hệ đối tác đến tác động xã hội.
“Nếu doanh nghiệp không có các yếu tố giúp phát triển bền vững, khoản đầu tư dài hạn sẽ gặp rủi ro”, ông Phục cho biết.