Động thái mua gom “ồ ạt” của nhà đầu tư Thái Lan thời gian gần đây khiến dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh ETF càng trở nên sôi động.
Theo tin từ Sở GDCK Thái Lan (SET), tính đến hết ngày 6/12, lượng chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND (FUEVFVND01) dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF do Bualuang Securities phát hành đã tăng vọt lên 169,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị vốn hóa 5,56 tỷ Bath (~3.800 tỷ đồng).
Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan hiện đang gián tiếp sở hữu 169,8 triệu chứng chỉ FUEVFVND. Con số này đã tăng đến 59,1 triệu đơn vị so với thời điểm cuối tháng 10. Cần phải lưu ý rằng, dòng tiền đến từ xứ Chùa Vàng đã gom rất mạnh chứng chỉ quỹ ETF này qua kênh DR trong tháng 10 trước đó.
Lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ Diamond ETF tiên tục tăng mạnh
Tương tự, chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF cũng được nhà đầu tư Thái Lan rót vốn ồ ạt thông qua kênh DR thời gian gần đây. Tính đến hết ngày 6/12, lượng DR E1VFVN30 (E1VFVN3001) do Bualuang Securities phát hành đã lên đến 238,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị vốn hóa 6,2 tỷ Bath (~4.200 tỷ đồng).
Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở cũng là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp nắm giữ 238,8 triệu chứng chỉ E1VFVN30, tăng 36 triệu đơn vị so với cuối tháng 10 và là cũng mức kỷ lục kể từ khi sản phẩm DR dự trên chứng chỉ quỹ VN30 ETF ra mắt vào năm 2018.
Lượng DR dựa trên VN30 ETF tiếp tục lập đỉnh mới
Như vậy, sau giai đoạn chững lại trong quý 3, dòng tiền từ xứ Chùa Vàng lại “đổ xô” mua các ETF Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây, các nhà đầu tư Thái Lan đã mua ròng 90,9 triệu chứng chỉ FUEVFVND và 58,3 triệu chứng chỉ E1VFVN30 qua kênh DR. Động thái đã góp phần không nhỏ đảo chiều dòng vốn vào Diamond ETF và VN30 ETF sau 3 tháng bị rút ròng liên tiếp trước đó.
Trong tháng 11, Diamond ETF hút ròng hơn 1.950 tỷ đồng, chỉ thấp hơn con số kỷ lục hơn 3.000 tỷ đồng vào tháng 5. Tính chung từ đầu năm, “viên kim cương” này đã hút ròng hơn 6.000 tỷ đồng, xếp thứ 2 toàn thị trường chỉ sau Fubon ETF. Trong khi đó, VN30 ETF đang trở lại mạnh mẽ sau giai đoạn liên tục bị rút ròng từ đầu năm. Quỹ đã có tháng hút tiền mạnh nhất từ đầu năm với giá trị gần 690 tỷ qua đó nâng tổng giá trị dòng tiền vào trong 2 tháng gần nhất lên gần 1.100 tỷ đồng.
ETF vẫn là xu hướng tương lai
Động thái mua gom “ồ ạt” của nhà đầu tư Thái Lan thời gian gần đây khiến dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh ETF càng trở nên sôi động. Bên cạnh bộ đôi ETF của Dragon Capital, Fubon FTSE ETF cũng đang không ngừng hút tiền từ khu vực Đông Á. Mới nhất, ETF này đã được thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD (~4.000 tỷ đồng). Quỹ đã bắt đầu gọi vốn từ 29/11 và ngay lập tức mua ròng hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam.
Ngoài ETF, thời gian gần đây TTCK Việt Nam còn xuất hiện thêm một dòng tiền “ẩn danh” được đồn đoán là P-Notes (Participatory Notes). Đó là một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn P-Notes có tính đầu cơ cực cao, mua vào chớp nhoáng và bán ra cũng rất nhanh. Mặc dù khó dự đoán chính xác nhưng khoảng thời gian mua mạnh nhất của P - Notes thường kéo dài khoảng 1,5-2 tháng. “Hiện tại dòng vốn này có thể đã vào khoảng 2 tuần và theo dự đoán chủ quan sẽ còn kéo dài đến giữa hoặc cuối tháng 12” – ông Huỳnh Minh Tuấn Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT phân tích.
Do đó, dòng vốn P-Notes có thể sẽ chỉ để lại dấu ấn trong ngắn hạn và ETF vẫn sẽ là kênh hút vốn ngoại chủ yếu cho chứng khoán Việt Nam trong tương lai. Sự ra đời của nhiều ETF mới mô phỏng các rổ chỉ số khác biệt đang mang đến cho nhà đầu tư nhiều lựa chọn, phù hợp với từng giai đoạn biến động của thị trường.
Mới nhất, ETF đầu tiên tham chiếu theo rổ chỉ số VNFinselect (mô phỏng các cổ phiếu trong ngành Tài chính) là KIM Growth VNFinselect ETF đã được cho ra mắt và niêm yết trên HoSE. Danh mục của ETF này bao gồm những cổ phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán hàng đầu về thanh khoản và vốn hóa và có đôi chút khác biệt so với VNFinLead trong một số tiêu chí.
Trước đó, ETF thứ 3 thuộc Dragon Capital là DCVFM VNMidcap ETF cũng đã chính thức niêm yết từ ngày 29/9. ETF này là cái tên đầu tiên tham chiếu theo rổ VNMidcap - chỉ số xây dựng từ 70 cổ phiếu của những doanh nghiệp tầm trung đang niêm yết trên HoSE. Đây là nhóm ưa thích của nhiều nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây nhờ thanh khoản tốt và có mức biến động giá khá lớn.
“Thị trường giao dịch chứng chỉ quỹ hiện tại ở Việt Nam khá tương đồng với thị trường Hàn Quốc vào những năm 2006. Chúng tôi tin rằng thị trường giao dịch chứng chỉ quỹ ở Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai”, ông Jung IL Mun, CEO của Korea Investment & Securities (KIS), công ty mẹ của Chứng Khoán KIS Việt Nam từng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Yang Yining, nhà quản lý quỹ Fubon ETF nhấn mạnh“Đây quả thực là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam”. Quỹ đầu tư đánh giá dòng vốn ngoại sẽ còn tăng cường vào Việt Nam nếu thị trường được nâng hạng vào danh sách thị trường mới nổi trong thời gian tới.