• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.231,78 +3,45/+0,28%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:45:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.231,78   +3,45/+0,28%  |   HNX-INDEX   221,97   +0,21/+0,10%  |   UPCOM-INDEX   91,16   -0,34/-0,38%  |   VN30   1.289,79   +3,12/+0,24%  |   HNX30   469,92   +0,11/+0,02%
22 Tháng Mười Một 2024 11:46:35 SA - Mở cửa
Thị trường vàng năm 2021: Góc nhìn người trong cuộc
Nguồn tin: VnEconomy | 01/02/2022 2:00:00 CH
Một ngày cuối năm, cùng ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nhìn lại những dấu ấn của thị trường vàng trong năm qua...
 
Năm 2021 chứng kiến biến động mạnh của giá vàng thế giới, khi các yếu tố trái chiều cùng lúc ảnh hưởng đến thị trường. Ngoài diễn biến thị trường quốc tế, thị trường vàng tại Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của chính sách và tình hình cung - cầu trong nước.
 
Một ngày cuối năm, VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), để cùng nhìn lại những dấu ấn của thị trường vàng trong năm qua.
 
LÝ DO VÀNG Ở VIỆT NAM ĐẮT HƠN THẾ GIỚI
 
Theo ông, đâu là lý do khiến giá vàng biến động mạnh trong 2021?
 
Có thể nói, giá vàng thế giới đã có thêm một năm biến động rất mạnh và khó lường, ngay cả đối với những người lâu năm trong nghề cũng bất ngờ.
 
Đầu năm, giá vàng thế giới còn ở vùng 1.950 USD/oz, đến tháng 3 đã rớt về dưới 1.700 USD/oz. Sau đó, giá vàng tái lập mốc 1.900 USD/oz vào tháng 6 rồi tụt về vùng 1.700 USD/oz vào tháng 9. Tháng 11, giá vàng vọt lên gần 1.900 USD/oz lần nữa, rồi giảm về vùng 1.800 USD/oz trong những ngày cuối năm.
 
Giá vàng trong nước cũng giằng co theo giá vàng thế giới, tuy nhiên mức độ biến động có chậm hơn. Đầu năm, giá vàng miếng SJC bán ra trên thị trường là hơn 55 triệu đồng/lượng, cuối năm là hơn 61 triệu đồng/lượng.
 
Tính cả năm, giá vàng thế giới giảm trên 8%, nhưng giá vàng trong nước tăng khoảng 6 triệu đồng/lượng. Dù vậy, so với năm 2020, giá vàng năm nay tăng ít hơn. Năm ngoái, giá vàng thế giới tăng 24%, còn giá vàng trong nước tăng hơn 13 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 31%.
 
Những nguyên nhân chính dẫn tới biến động giá vàng năm nay là đại dịch Covid-19, tình hình lạm phát, và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn.
 
Sau khi suy thoái do Covid trong năm ngoái, kinh tế thế giới đã phục hồi trong năm nay, với sự phục hồi diễn ra đặc biệt mạnh ở Trung Quốc trong nửa đầu năm và ở Mỹ và châu Âu sau đó. Khi kinh tế hồi phục, các nhà đầu tư có xu hướng rót vốn vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu và các hàng hóa cơ bản. Khi đó, những kênh đầu tư an toàn như vàng ít được ưa chuộng hơn.
 
Sau thời gian theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để vực dậy kinh tế, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hay Ngân hàng Trung ương Anh (BOE)… bắt đầu tính đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại tốc độ leo thang chóng mặt của giá cả. Kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ cũng là một nhân tố gây nhiều áp lực giảm giá đối với vàng.
 
Ngoài ra, vàng còn chịu sức ép giảm giá từ xu hướng tăng giá của đồng USD trong năm nay. Tính từ đầu năm, đồng USD đã tăng giá hơn 7% so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác.
 
Chưa kể, vàng còn phải cạnh tranh với tiền ảo. Đồng Bitcoin đã liên tục lập kỷ lục giá, có lúc lên gần 69.000 USD. Nhiều tiền ảo khác cũng tăng giá phi mã.
 
Nhưng ngược lại, giá vàng năm nay được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng chống lạm phát. Như ở Mỹ, lạm phát đang cao nhất gần 4 thập kỷ. Mặt khác, do đại dịch vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư quốc tế vẫn còn lớn. Nhiều ngân hàng trung ương cũng mua vàng để tăng dự trữ quốc gia.
 
Với những yếu tố tác động trái chiều như vậy, giá vàng đã có một năm biến động giằng co rất mạnh chứ không tăng hay giảm theo một chiều.
 
 
Chênh lệch giữa giá vàng ở Việt Nam và giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng nhiều trong năm nay, gần đây lên tới 12 triệu đồng/lượng. Có ý kiến cho rằng vàng ở Việt Nam “đắt nhất thế giới”. Ông có bình luận như thế nào, thưa ông?
 
Đầu năm, giá vàng miếng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2-3 triệu đồng/lượng. Cuối năm, chênh lệch là hơn 10 triệu đồng/lượng, có lúc chênh 12 triệu đồng/lượng. Ở các quốc gia khác, như Ấn Độ, Trung Quốc hay Singapore, giá vàng trong nước chỉ chênh thế giới vài USD/oz, quy đổi ra chỉ tương đương vài chục nghìn đồng mỗi lượng.
 
Chênh lệch lớn phần nào phản ánh tình trạng chênh lệch giữa nhu cầu và nguồn cung vàng tại thị trường trong nước. Nguồn cung vàng chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước, để họ đáp ứng nhu cầu của người dân và nhà đầu tư, nên giá vàng bị đẩy lên cao.
 
Đã gần 10 năm nay các doanh nghiệp vàng không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức có nhu cầu lớn về vàng nguyên liệu, nhưng chủ trương của Chính phủ là giảm nhập siêu để tăng dự trữ ngoại hối nên Ngân hàng Nhà nước vẫn không cấp phép cho nhập khẩu vàng nguyên liệu.
 
Ngoài ra, công tác chống buôn lậu vàng qua biên giới cũng được tăng cường trong năm nay, nên nguồn vàng nhập lậu vào Việt Nam bị siết lại.
 
Nguồn cung vàng hạn chế, nhưng doanh nghiệp vẫn phải mua vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ và người dân vẫn giữ tâm lý mua vàng tích trữ. Tình trạng cầu lớn hơn cung làm cho giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn thế giới.
 
Tôi muốn lưu ý thêm là mức chênh lệch lớn hơn nằm ở vàng miếng SJC, còn các sản phẩm vàng 999,9 khác hiện nay chỉ chênh khoảng 4-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Giá vàng miếng SJC đã tăng cao từ 10 năm nay chứ không riêng gì năm nay, vì Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng để tăng cung cho thị trường. Và theo quy định của Nghị định 24, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp hiện đều không được sản xuất vàng miếng.
 
Đối với vàng trang sức-mỹ nghệ, doanh nghiệp phải mua vàng nguyên liệu trên thị trường trong nước với giá cao để làm đầu vào, dẫn tới giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp đương nhiên cũng phải cao hơn thế giới.
 
NẮM GIỮ VÀNG VẪN CÓ LỢI
 
Với giá vàng trong nước đắt hơn nhiều so với thế giới, ông có cho rằng người dân hiện nay không còn mặn mà với việc đầu tư vàng? Nếu so với những kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, gửi tiết kiệm… trong năm nay, ông có cho rằng giữ vàng là hiệu quả?
 
Người dân Việt Nam từ trước nay vẫn giữ thói quen tích trữ vàng, đặc biệt, người dân Nam Bộ. Còn khi người dân mua vàng tích trữ họ ít quan tâm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Nếu nắm giữ vàng lâu dài, thì 1 lượng vàng mua vào đầu năm 2019 là 36 triệu đồng/lượng đến nay bán ra 61 triệu đồng/lượng. Như vậy, mức chênh lệch lên đến 25 triệu đồng.
 
Đối với nhà đầu tư, họ căn cứ vào biến động của giá vàng để ra quyết định mua, bán. Năm nay diễn biến giá vàng phức tạp, nên càng tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư. Thị trường không ổn định luôn là cơ hội cho họ, còn thị trường ổn định thì nhà đầu tư ít có cơ hội, vì chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra mỗi lượng vàng không nhiều, nhà đầu tư chỉ có cơ hội kiếm lời khi giá vàng có “sóng”.
 
Còn đối với các nhà kinh doanh vàng, khi giá vàng biến động, chênh lệch giá mua-bán cũng kéo giãn rộng, có khi lên tới cả triệu đồng mỗi lượng, cũng là cơ hội để kiếm lợi nhuận tốt hơn.
 
Trong lúc lãi suất tiết kiệm thấp, bất động sản và chứng khoán là những kênh đầu tư có nhiều cơ hội trong năm nay. Nhưng vàng cũng là một kênh mà nhà đầu tư có thể đạt mức lợi nhuận hấp dẫn trong năm nay nếu căn được chuẩn xác thời điểm mua, bán.
 
 
Theo ông, chính sách quản lý thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước theo đuổi mấy năm qua đã phát huy tác dụng như thế nào?
 
Phải khẳng định rằng sau Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi hiệu quả chính sách quản lý thị trường vàng. Nhờ đó, nhu cầu đầu tư vàng đã giảm và người dân tuy có nhu cầu mua vàng tích trữ nhưng không lớn như trước đây.
 
Cùng với đó, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ. Không còn những cơn sốt mà người dân đổ xô đi mua vàng, ảnh hưởng biến động của giá vàng đến ổn định kinh tế vĩ mô được hạn chế, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được ngăn chặn, vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán…
 
Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng thương mại huy động, cho vay vàng, sử dụng vàng làm tài sản có và đưa vào bảng cân đối tài sản. Nhờ đó, thị trường vàng được tạo điều kiện phát triển ổn định và không bị chi phối hay điều khiển bởi nguồn vàng huy động của các ngân hàng thương mại.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về kinh doanh mua bán vàng miếng và đã có sự chuyển biến tích cực về tổ chức phát triển sản xuất vàng trang sức - mỹ nghệ và mua bán vàng miếng theo đúng qui định của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để sản xuất vàng trang sức - mỹ nghệ. Đồng thời, lao động ngành vàng cũng đã được tổ chức lại theo hướng giảm kinh doanh vàng miếng và tăng sản xuất, kinh doanh vàng trang sức - mỹ nghệ.
 
Đặc biệt, từ khi có Nghị định 24 đến nay, việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện theo hướng để thị trường tự điều tiết cung - cầu theo định hướng của chính sách. Nhờ đó, Chính phủ không phải chi ngoại tệ nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường như trước đây. Kết quả điều hành thị trường vàng hợp lý và rất có hiệu quả này của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm qua đã góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối.
 
5 ĐỀ XUẤT CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH VÀNG
 
Ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý về công tác quản lý thị trường vàng trong thời gian tới?
 
Trước hết,VGTA đề nghị đưa sản xuất, kinh doanh vàng trang sức-mỹ nghệ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV, Luật Đầu tư năm 2020, bởi lẽ không giống như vàng miếng, vàng trang sức-mỹ nghệ là hàng hóa bình thường.
 
Thứ hai,chúng tôi đề nghị Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 24 vì nghị định này đã áp dụng suốt 10 năm qua và không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới về chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước.
 
Thứ ba, chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Khi mới ban hành Nghị định 24, thị trường vàng còn bất ổn, Ngân hàng Nhà nước phải xử lý theo tình thế chưa thể cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Hiện nay, thị trường vàng tương đối ổn định nên việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp là cần thiết, không nên tiếp tục kéo dài thêm “giải pháp tình thế” đã áp dụng trong suốt 10 năm qua.
 
Thứ tư, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước không một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng vì không có ngân hàng trung ương trên thế giới nào sản xuất vàng miếng cả. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước, có thể xem xét cho một số ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế.
 
Thứ năm,về thuế xuất khẩu vàng trang sức thì đề nghị Bộ Tài chính đưa về 0% như cũ, thay vì tăng lên 1% như ban hành mới đây, để khuyến khích xuất khẩu, tái tạo nguồn ngoại tệ đồng thời tăng việc làm cho người lao động. Thuế suất bằng 0% sẽ giúp sản phẩm vàng trang sức-mỹ nghệ của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các quốc gia khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vì các nước này cũng đều đang áp thuế 0%. Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), xuất khẩu vàng trang sức - mỹ nghệ của Thái Lan đã vượt 10 tỷ USD, Singapore trên 8 tỷ USD, Indonesia trên 6 tỷ USD…
 
Về triển vọng giá vàng trong năm 2022, ông có nhận định như thế nào?
 
Tôi cho rằng chừng nào đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc thì nhu cầu vàng làm “hầm trú ẩn” vẫn còn, do đó giá vàng còn cơ hội tăng. Ngoài ra, xu hướng tăng cao của lạm phát trên toàn cầu cũng là một lý do nữa để nhà đầu tư nắm giữ vàng. Nhưng mặt khác, việc các ngân hàng trung ương lớn chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ là một trở ngại lớn đối với triển vọng tăng giá của vàng.
 
Gần đây, có một số dự báo nhận định giá vàng sẽ xuống 1.600 USD/oz trong năm tới, nhưng tôi cho rằng giá vàng nhiều khả năng giữ vùng 1.800-1.900 USD/oz trong phần lớn thời gian của năm 2022.
 
Đối với giá vàng trong nước, nếu chính sách vàng được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, thì biến động của giá vàng trong nước sẽ bám sát xu hướng giá vàng quốc tế. Khi đó, chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước có thể thu hẹp.