Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, sáng 15/2 tới, tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội thu hoạch cà rốt năm 2022.
Đây cũng là lần đầu tiên Hải Dương tổ chức lễ hội này nhằm quản bá chất lượng, thương hiệu và kích cầu tiêu thụ cà rốt trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, cây cà rốt được tỉnh sản xuất tập trung hàng hóa theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng đất bãi ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, chủ yếu tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và thành phố Chí Linh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, diện tích trồng cà rốt trên địa bàn tỉnh vào khoảng 1.600 ha với sản lượng trên 80.000 tấn/năm. Cà rốt Hải Dương sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được người dân gieo trồng trong khoảng tháng 9 đến tháng 10 hàng năm và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau.
Hiện 80% sản lượng cà rốt của Hải Dương được sơ chế, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, các nước châu Âu và Trung Đông, số còn lại tiêu thụ trong nước dưới dạng củ tươi, nước ép, mứt và sấy khô làm gia vị trong sản xuất mỳ tôm, cháo ăn liền…
Du khách đến với lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022 sẽ được tham gia các hoạt động như: thu hoạch cà rốt; thăm vùng và cơ sở sản xuất, sơ chế cà rốt và một số sản phẩm chế biến từ cà rốt; lễ rước cà rốt tại đền Tam Phủ tại cánh đồng ven sông Thái Bình, xã Đức Chính; thi thu hoạch cà rốt…
Lễ hội thu hoạch cà rốt cũng là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối giao thương; tìm hiểu các cơ chế, chính sách ưu đãi của Hải Dương trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và cây cà rốt nói riêng; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững.